Tại Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và Hải Dương diễn ra ngày 5/6, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - Lê Hồng Thăng cho biết việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà đã được 2 địa phương lên kế hoạch, trong đó mở thêm kênh phân phối mới là các điểm bán lưu động trên toàn thành phố, ngoài 2 kênh hiện có là chợ và trung tâm thương mại.
Các phường, xã, ban quản lý chợ sẽ bố trí các khoảng đất trống để doanh nghiệp, thương lái kinh doanh vải thiều của tỉnh Hải Dương đưa xe về bán trực tiếp tại các địa điểm đã được lựa chọn.
Các điểm bán vải lưu động có giấy phép sẽ giúp thị trường Hà Nội tiêu thụ lượng lớn vải thiều năm nay. Ảnh: Hồng Châu |
“Quy trình vận hành, danh sách các doanh nghiệp đăng ký tham gia chúng tôi đã hoàn thành. Khi các đơn vị từ Hải Dương đưa hàng lên chỉ cần thông báo bằng tin nhắn điện thoại về biển số xe, chủ xe… lực lượng chức năng Hà Nội sẽ cấp giấy phép để di chuyển đến điểm bán”, vị này cho biết.
Đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội đều cam kết sẽ thu mua, phân phối vải thiều Hải Dương và một số vùng trồng khác trong tuần tới. Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Mai Khuê Anh cho biết đơn vị sẽ đến tận vườn thu mua để đảm bảo đủ lượng vải cung ứng cho khách hàng. Doanh nghiệp cũng sẽđóng gói, vận chuyển đúng quy trình của hàng xuất khẩu đảm bảo giữlô hàng vải tươi trong khoảng 2 ngày.
Tuy nhiên, theo bà Khuê Anh, giá vải cập nhật theo ngày nên Hapro chưa thể chốt con số cụ thể cho các đầu mối tiêu thụ.“Tại vùng trồng, giá chênh lệch nhau từ 7.000 đến 12.000 đồng mỗi kg. Do vậy, tỉnh Hải Dương làm sao để giá bán tại các vườn phải đồng nhất”, bà bày tỏ.
Một doanh nghiệp khác là Big C cho biết sẽ vận chuyển số lượng đáng kể sang trung tâm mua bán của doanh nghiệp tại Pháp. Song, điều lãnh đạo siêu thị này quan tâm nhất vẫn chính là nhận diện thương hiệu vải Thanh Hà trên thị trường.
Theo Phó tổng giám đốc Nguyễn Thái Dũng, khi mùa vải rộ, từ chợ, trung tâm thương mại đến mọi đường phố đều ngập tràn người bán, rất khó để người tiêu dùng nhận biết đâu là vải sạch, trồng đúng tiêu chuẩn VietGap. Vị này cho rằng, vùng trồng vải cần đầu tư bao bì, tem nhãn có thể chi phí sẽ khiến giá bán cao hơn nhưng chắc chắn người tiêu dùng đều chấp nhận được vì họ biết nguồn gốc, xuất xứ của quả vải.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, mỗi tháng, nhu cầu tiêu thụ quả tươi trên địa bàn khoảng 52.000 tấn, trong đó nguồn cung tại chỗ chỉ đáp ứng 66%, còn lại được cung ứng tại các địa phương phía Bắc và phía Nam. Thời gian qua, khi một số mặt hàng nông sản của các địa phương miền Trung và miền Nam gặp khó khăn, thành phố đã tiêu thụ khoảng 200 tấn dưa hấu Quảng Nam và 105 tấn hành tím Sóc Trăng. Do vậy, theo nhận đinhh, sức tiêu thụ vải thiều trong thời gian tới cũng khá lớn.
Theo VnEXpress