Vải thiều vào vụ chỉ có thể thu hoạch trong một tháng. Không hái vải cũng rụng hết - Ảnh: T.L. |
Là người chuyển từ trồng lúa sang quả vải từ những năm 1986, ông Trần Văn Minh, xã Hồng Giang, Lục Ngạn được chọn trồng 0,5ha vải để xuất sang Mỹ nhưng đó chỉ là một phần diện tích mà gia đình ông canh tác.
Lùi cân như một thói quen
Một phần, ông nêu vẫn phải bán cho tư thương ở chợ. Ông Minh bức xúc vải thiều vào mùa không chỉ bị ép giá mà nông dân trồng vải còn bị “ép cân”, “lùi cân”. Cứ 100kg vải lại bị trừ mất 5-20kg khi bán ra cho tư thương Trung Quốc.
Theo ông Minh, dân đem quả vải ra bán thì sau khi thỏa thuận giá xong, tư thương cân được bao nhiêu là họ cứ trừ đi một ít.
“Có khi bị trừ đến 20%, nghĩa là 1 tạ (100kg) mất 20kg” - ông Minh bức xúc và kiến nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc.
Ông Nguyễn Đức Nhân (Thanh Hà - Hải Dương) nêu tình trạng “lùi cân” vẫn xuất hiện ở Hải Dương. Trước đây khi chưa kịp phân loại vải, trong chùm có những quả thối, sâu, tư thương thường trừ vài cân/một thùng vải.
Đến nay cách thức phân loại vải theo các tiêu chuẩn nông dân làm đã tốt rồi nhưng cứ đem ra cân là tư thương (phần lớn là tư thương Trung Quốc đứng sau) cân được 1 tạ là họ trừ khoảng... 5kg.
Ông Vi Văn Thanh, thôn Kép 1, Hồng Giang, cũng bức xúc vì tư thương đến nay coi “lùi cân” của dân đã như một... thói quen. “Chỗ nào cũng thế nên dân chịu”. Ông cho biết đã hỏi cả cơ quan quản lý thị trường nhưng họ cũng nói khó xử lý.
Ông Thanh buồn: “Quả vải chỉ có thể thu hoạch trong vòng một tháng, không bán thì cũng rụng hết. Tư thương nắm được nên cứ ép giá, người dân cứ phải chịu”...
Năm ngoái tháng 6/2014, vải thiều trúng nhưng người dân Lục Ngạn buồn bã đắng lòng vì giá quá thấp - Ảnh: Q.T. |
Nông dân cần doanh nghiệp
Theo ông Phùng Trần Hoạt, chủ vườn vải ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang), nỗi lo mất giá vẫn nặng vai bởi vẫn chưa có doanh nghiệp nào cam kết giá mua vải nhà vườn của ông.
Cùng tâm trạng này, ông Nguyễn Văn Lưu, thôn Kép 1, xã Hồng Giang, cho biết vẫn chưa có doanh nghiệp nào cam kết giá dù đã ghé thăm nhiều lần.
Ngoài ra, do thời gian thu hoạch rộ chỉ 20-25 ngày, người dân cũng như các doanh nghiệp chế biến vải chịu một áp lực rất lớn về bảo quản và nhân công chế biến. Doanh nghiệp cũng lo.
Theo ông Minh, dân phấn khởi vì có thể xuất quả vải đi Mỹ dù năm nay là năm đầu tiên không được nhiều, nhưng khi đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường Mỹ thì các thị trường khác cũng có thể sẽ được mở ra.
Vì vậy ông mong Nhà nước đầu tư thiết bị kiểm nghiệm quả vải để xác định vải đủ tiêu chuẩn, tránh hàng xuất đi rồi có thể bị trả lại...
Vải không rao nguồn gốc chất đống bán trên đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM với giá 10.000 đồng/nửa kg. Ảnh: Hữu Khoa |
Giá vải dao động theo thời điểm là bình thường Ông Phan Văn Hùng, phó giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, cho biết năm nay sản lượng vải của cả Bắc Giang ước 160.000-190.000 tấn, tương đương năm trước. Diện tích trồng chúng tôi vẫn giữ như cũ, khoảng 32.000ha. Thực tế nhiều năm nay, không giống như các nông sản khác, quả vải không bị ách tắc ở cửa khẩu, chỉ ách tắc ở đường giao thông của chúng ta do phương tiện tăng... Vải có nhiều loại, nhiều phẩm cấp. Tại vùng Lục Ngạn năm trước vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap giá duy trì thấp nhất 18.000 đồng/kg, bình thường cũng được 21.000-22.000 đồng/kg. Các huyện khác thì giá thấp hơn, không phải VietGap nhưng chất lượng tốt thì 12.000-13.000 đồng/kg. Chất lượng thấp hơn thì đúng là chỉ được 8.000 đồng/kg. Thực tế năm trước chúng tôi đã tiêu thụ hết quả vải cho nông dân. Tuy nhiên theo cơ chế thị trường thì khi đầu vụ giá thường cao, giữa vụ giá thấp đi. Theo tôi, đó không phải là mất giá. Năm trước giá dao động trong khoảng bình thường. Năm nay chúng tôi dự kiến giá quả vải sẽ tương đương năm trước. Năm nay xuất khẩu vẫn vào Trung Quốc là chủ yếu. Có những giải pháp nào được đưa ra, thưa ông? - Thực tế, vải ở Bắc Giang có 48% xuất khẩu. Trong số vải xuất khẩu thì đúng là 90% xuất sang Trung Quốc. Năm 2015-2016, UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định hỗ trợ 31 tỉ để quảng bá, vận chuyển quả vải... để tăng thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để mua vải, tăng cường giải quyết tình trạng ùn tắc đường trong cao điểm mùa vụ... Chúng tôi đã chủ động tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải ở Lào Cai, mời cả chính quyền và doanh nghiệp từ Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) sang để kết nối cung cầu. Tỉnh Bắc Giang đã trực tiếp làm việc với chính quyền, doanh nghiệp huyện Long Châu, Bằng Tường (Quảng Tây) để tăng tiêu thụ quả vải... Thưa ông, cần làm gì để tăng chất lượng vải, không chỉ xuất vào Trung Quốc? - Hiện diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap đã được tăng lên từ 8.500ha năm trước lên khoảng 10.000ha, tức chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích. Tuy nhiên, để xuất khẩu vào các thị trường xa còn khó bởi công nghệ bảo quản, chế biến vải tươi hiện nay chỉ giữ được 3-4 tuần. Trong khi nếu muốn vận chuyển tàu biển sang EU, Mỹ mất khoảng ba tuần. Công nghệ đông lạnh tức thời của Nhật giúp giữ quả vải được 10 năm thì hiện mới có ở Hà Nội, năm trước thử nghiệm được 20 tấn, công suất chỉ được 1 tấn/ngày. Hiện Bắc Giang đang áp dụng công nghệ xông để bảo quản quả vải và chiếu xạ xử lý vi sinh vật. Bắc Giang chưa có vốn để đầu tư công nghệ của Nhật. Năm nay chúng tôi mới dự kiến hỗ trợ vận chuyển hàng không để xuất khẩu được khoảng 600 tấn sang Mỹ, châu Âu. |
Theo Tuổi Trẻ