Người chăn nuôi bị động sẽ chịu rủi ro nếu phía Trung Quốc dừng thu mua. |
Theo ông Vân, năm nay, nguồn cung lợn hơi của Trung Quốc bị thiếu hụt. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp nước này, Trung Quốc đang thiếu khoảng 2 triệu tấn. Do ô nhiễm môi trường, nên họ đóng cửa nhiều trang trại, họ tìm nguồn cung từ Việt Nam sang.
Hiện nguồn lợn bán cho Trung Quốc chủ yếu từ Đồng Nai, Bình Dương, một số tỉnh ở miền Bắc là Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên…. Các lô lợn xuất bằng đường tiểu ngạch qua các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng mỗi ngày khoảng 50-100 xe trở lên.
Việc Trung Quốc hút hàng liên tục mấy tháng qua, khiến giá thịt lợn hơi trong nước đẩy lên cao. “Hiện giá lợn hơi ở miền Bắc đang lên 56.000 đồng/kg, ở miền Nam cũng đã lên 52.000-53.000 đồng/kg, là mức giá rất cao, hiếm lắm mới có đợt giá cao thế này. Bà con đang có lãi lớn. Chưa kể, có một số thương lái Trung Quốc vào tận nội địa để lùng mua lợn béo (loại 120 kg/con trở lên), nên càng gây sốt giá thêm”- ông Vân nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Trung Quốc hút hàng, đẩy giá, đó chỉ là cái lợi trước mắt. Bà con chăn nuôi phải hết sức cẩn trọng, bình tĩnh, đừng coi đây là một cơn sốt kéo dài mãi, mà chỉ là đột biến.
“Mặt khác, các thương lái cứ phao tin là giá lợn cao, mà bà con bán giá đắt, mà nháo nhào vào đàn thì đứt. Giá thịt nội địa cũng bị đẩy lên cao. Thậm chí, được cớ các ông bán giống trong nước cũng đội giá lên thì nguy hiểm”- ông Vân nói.
Ông Vân cũng cho biết, hiện phía Trung Quốc đã mở kho lạnh dự trữ, mỗi ngày xuất ra mấy chục nghìn tấn để hạ nhiệt giá thịt lợn ở nước này. Như vậy, tới đây, nguồn cung của nước này sẽ tăng lên, nên có thể nhu cầu của họ có thể giảm đi.
“Chúng ta cần phải hết sức lưu ý cái này. Bà con, các địa phương phải vừa bán, vừa theo dõi, cảnh báo, sắp xếp số lượng xe lên các cửa khẩu thông tuyến cho nhanh. Các cam kết mua bán với phía Trung Quốc cũng phải làm kỹ với nhau, không để đổ đồn lên biên giới nhiều quá, lại bị dội như dưa hấu…”- ông Vân nói.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cho biết, Cục đã có văn bản khuyến cáo các địa phương chủ động thông báo các trang trại, công ty lớn. “Cái chính là nắm bắt thông tin, xử lý tình hình tốt mới được. Nếu không, chính thị trường trong nước lại đội giá lên, thiệt hại cho người tiêu dùng”- ông Vân nói.
Theo Tiền Phong