Giữa tháng 6, vải tại Lục Ngạn (Bắc Giang) chính thức vào mùa. Theo ước tính, sản lượng vải thiều toàn huyện năm 2016 đạt khoảng 70.000 tấn, giảm khoảng 10% so với năm trước. Nhưng mỗi kg vải đầu mùa năm nay có giá trên dưới 30.000 đồng, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu là hàng “tuyển”, giá có thể lên tới 35.000–40.000 đồng một kg.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Zing.vn, chỉ qua cửa khẩu Ma Lù Thàng, các tay buôn đã thổi giá vải thiều tăng gấp đôi so với giá gốc tại thị trường Việt Nam.
Qua cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu), vải thiều đã bị thổi giá cao gấp đôi thị trường trong nước. Ảnh: Kiều Vui |
Cụ thể, mỗi kg vải thiều xấu mã được bán với giá 20 nhân dân tệ (khoảng 70.000 đồng). Vải đẹp mã giá cao hơn, khoảng 23 – 25 nhân dân tệ (80.000 đồng).
Trong vài năm gần đây, dù vải thiều của Việt Nam đã tiếp cận được nhiều thị trường như Mỹ, Australia, châu Âu... nhưng lượng xuất sang Trung Quốc vẫn chiếm đến 90%.
Không ít thương lái khi thấy vải thiều vào chính vụ đã cố tình không thu mua, để ép giá nông dân. Đáng nói, dù có thể bị ép cân, ép giá, nhưng nhiều nông dân vẫn thích bán cho thương lái Trung Quốc vì bán được số lượng lớn.
Năm nay, theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, lượng vải chín sớm ước đạt 23.000 tấn, vải chính vụ 107.000 tấn, tập trung ở các huyện: Lục Ngạn khoảng 70.000 tấn, Lục Nam 28.000 tấn, Tân Yên 8.000 tấn, Lạng Giang 6.500 tấn, Yên Thế 12.000 tấn và Sơn Động 5.700 tấn.
Hiện tỉnh này đã đề ra giải pháp mở rộng diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn Global Gap để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu quả vải đi các nước, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, nhằm giảm áp lực phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường tiêu thụ vải thiều lớn nhất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ đang chủ động cùng các địa phương, hiệp hội tìm thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững cho quả vải.Trong năm 2016 đã diễn ra nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ tiêu thụ trái cây này, như Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ quả vải và nông sản tỉnh Hải Dương, Hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều năm 2016 tại tỉnh Bắc Giang...
Bộ Công Thương còn kết hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên triển khai Hội nghị tiếp xúc với các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu vải thiều tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc năm 2016, tổ chức tại tỉnh Lào Cai.Ngoài ra còn có tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội sẽ tổ chức vào cuối tháng 6.
Ông Đỗ Thắng Hải cũng thông tin thêm, để triển khai công tác hỗ trợ kết nối tiêu thụ quả vải vào thị trường khu vực phía Nam, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại TP.HCM.
Theo Zing