Quy trình giết mổ tàn bạo và khủng hoảng xuất khẩu bò Úc

Thứ hai, 20/06/2016, 08:55
Các cảnh quay giết mổ tàn bạo bò Úc ở các nước đã là nguyên nhân của nhiều cuộc khủng hoảng về xuất khẩu bò sống sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Vụ việc bò bị giết thịt một cách tàn bạo đang được điều tra tại Việt Nam cũng tương tự vụ việc giết thịt một cách tàn nhẫn tại Indonesia, Arab Saudi và Ai Cập trước đây.

Khủng hoảng ở Indonesia

Vào cuối tháng 5/2011, dư luận Australia rất phẫn nộ khi chương trình Four Corners của ABC phát những hình ảnh cho thấy sự đối xử tàn nhẫn đối với súc vật tại các lò mổ ở Indonesia. Các con vật bị đánh đập, móc mắt và cắt xẻo trước khi bị hành quyết. Theo phân tích của của tổ chức hoạt động vì động vật của Úc – RSPCA, thậm chí một số con vật còn sống khi thân thể chúng bị mổ xẻ....

Các cảnh quay về giết mổ gia súc tàn bạo đã là khởi nguồn của nhiều cuộc khủng hoảng về xuất khẩu bò sống của Australia. Ảnh AFP.

Bộ trưởng Nông nghiệp Australia khi đó đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gia súc sang Indonesia trong vòng sáu tháng cho đến khi Indonesia trang bị các thiết bị hỗ trợ giết mổ phù hợp nhằm chấm dứt tình trạng tra tấn động vật tại các lò mổ. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7/6/2011 sau khi 2.000 gia súc không được phép xuất cảng ở bang Tây Australia...

Mối nguy an ninh thực phẩm Indonesia

Indonesia đã gánh chịu nhiều thiệt hại sau lệnh cấm xuất khẩu bò Úc vào năm 2011. Do Australia cung cấp tới 25% nhu cầu thịt bò cho Indonesia, lệnh cấm đã gây ảnh hưởng lớn tới nguồn cung thịt bò cho người tiêu dùng trong nước và thu nhập của các lò mổ.

Lệnh cấm xuất khẩu khiến cho Indonesia quyết tâm hơn trong việc thực hiện mục tiêu đảm bảo tự cung cấp thịt bò vào năm 2014. Do vậy, vào năm 2012, Indonesia đã cắt giảm mạnh hạn ngạch nhập khẩu bò sống cũng như thịt bò.

Điều này không chỉ gây ra rủi ro về tham nhũng mà còn ảnh hưởng tới an ninh thực phẩm của Indonesia. Vào tuần cuối cùng trước khi diễn ra tháng Ramadan vào giữa năm 2013, khi giá thịt bò tăng mạnh và đe dọa an ninh thực phẩm, Bộ Thương mại Indonesia đã tự tăng hạn ngạch nhập khẩu thịt và giấy phép nhập khẩu bò sống mà không cần tham khảo Bộ Nông nghiệp, ít nhất là trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, việc tăng hạn ngạch một cách đột ngột như vậy chưa chắc đã đảm bảo tăng lượng nhập khẩu bò do ngành súc vật sống tại Australia đã bị thu hẹp sau quyết định cắt giảm mạnh hạn ngạch nhập khẩu của Indonesia trước đây.

Việc giá thịt bò tăng và nguồn cung giảm cũng khiến cho phần lớn người tiêu dùng Indonesia không được tiêu thụ thịt bò. Trong khi đó, nhu cầu thịt bò của Indonesia tăng mạnh do sự thay đổi về mô hình ăn uống.

Với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, vào khoảng 30 triệu người năm 2014, nhu cầu đối với thịt bò ngày càng tăng cao do tầng lớp trung lưu có xu hướng chuyển sang chế độ ăn kiểu phương Tây, tương tự như ở nhiều nước châu Á khác. Điều này được phản ánh trong sự thay đổi về khẩu phần ăn uống theo hướng giảm tỉ lệ gạo, tăng tỉ lệ bột mỳ và các protein có nguồn gốc động vật như thịt bò và sữa.

Ngoài ra, mặc dù các mô hình bán lẻ hiện đại ngày càng tăng, người tiêu dùng Indonesia vẫn ưa chuộng loại thịt tươi từ các chợ truyền thống hơn là thịt đông lạnh.

Đồng thời, nhu cầu đối với thịt bò của các nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ ăn uống và các nhà chế biến thực phẩm của Indonesia cũng ngành càng tăng lên.

Arab Saudi và Ai Cập

Đây cũng không phải là lần đầu tiên chính phủ Australia mạnh tay trong việc giải quyết vấn đề này.

Từ năm 1991 đến năm 2000, chính phủ Australia đã đình chỉ việc xuất khẩu cừu và bò sống tới Arab Saudi sau khi điều kiện vận chuyển tồi tệ đã khiến cho hàng trăm con cừu và bò bị chết do nóng.

Vào năm 2006, Australia cũng ngừng xuất khẩu gia súc sang Ai Cập sau khi được xem một đoạn video dài 60 phút có cảnh gia súc bị tra tấn trước khi đem mổ....

Việc xuất khẩu bò vào Ai Cập được khôi phục trở lại vào năm 2010 sau khi Australia và Ai Cập đạt được thỏa thuận đảm bảo phúc lợi cho gia súc và hình thành một biên bản ghi nhớ chung, với mục tiêu giám sát chặt chẽ phúc lợi của gia súc từ các cơ quan chính phủ của cả Australia và Ai Cập. Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp Australia đã soạn thảo các quy định nghiêm ngặt hơn trong ESCAS và bắt đầu áp dụng từ giữa năm 2011.

Đến tháng 5/2013, ngành công nghiệp xuất khẩu gia súc sống của Australia lại ngừng giao thương với Ai Cập sau khi tổ chức bảo vệ động vật Animals Australia công bố những hình ảnh cho thấy số gia súc xuất khẩu đã bị ngược đãi tại hai cơ sở ở Ai Cập.

Việc xuất khẩu được khôi phục lại vào tháng 3/2014 khi hai nước thống nhất thực hiện ESCAS.

Và câu chuyện Việt Nam

Với Việt Nam, theo Bộ trưởng Nông nghiệp kiêm Phó Thủ tướng Barnaby Joyce, sau khi nhận được hình ảnh và báo cáo của hiệp hội bảo vệ động vật Australia vào ngày 9/6, Bộ Nông nghiệp nước này đã bắt đầu điều tra vấn đề này.

Ông cũng cho biết “vẫn chưa có kết luận chính thức về nguồn gốc của gia súc trong ảnh chụp liệu có phải được nhập khẩu từ Australia hay không, tuy nhiên, ngành công nghiệp nước này đã có hành động tạm dừng xuất khẩu bò cho các lò mổ ở Việt Nam".

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, tốc độ nhập bò Úc vào Việt Nam tăng rất nhanh. Năm 2012, Việt Nam mới bắt đầu nhập bò Úc với số lượng khá khiêm tốn, chỉ khoảng 3.000 con, nhưng đến năm 2013 đã tăng vọt lên gần 70.000 con. Năm 2015, Việt Nam nhập khẩu khoảng 306.000 con bò thịt từ Úc, tăng 70% so với năm 2014.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ bò Úc thứ 2 thế giới, chỉ sau Indonesia. Số bò nhập khẩu từ Úc theo ước tính chiếm khoảng 1/8 lượng thịt bò tiêu thụ trên thị trường Việt Nam.

Số lượng bò thịt nhập khẩu của Việt Nam từ Úc trong những năm qua (đơn vị: con)  Nguồn: MLA Database

Việc bò sống nhập khẩu từ Australia về Việt Nam đạt số lượng khá lớn và là do nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong nước ngày càng tăng mạnh, trong khi giá thịt bò tại Australia và nhiều nước quá rẻ, chi phí chăn nuôi thấp, quy trình chăn nuôi hiện đại và quy mô lớn. Vì vậy, mặc dù đang gánh cả thuế nhập khẩu, phí vận chuyển và các chi phí khác nhưng hiện giá 1kg thịt bò hơi Úc vẫn đang rẻ hơn thịt bò Việt Nam.

Chất lượng bò Úc cũng được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Hơn nữa, bò Việt Nam có trọng lượng nhỏ, khoảng 250kg/con, sản lượng cho thịt thấp, chỉ đạt 50% sau khi giết mổ. Trong khi đó, bò Úc có trọng lượng bình quân 500kg/con, cho tỷ lệ thịt là 55%.

Nhìn về tác động, rõ ràng Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Indonesia với nhu cầu tiêu thụ gia tăng do sự phát triển của tầng lớp trung lưu và sự nở rộ của hệ thống nhà hàng, khách sạn. Vì thế, những thiệt hại đối với thị trường trong nước có thể tương tự những gì đang diễn ra tại Indonesia năm 2011. Đó là chưa kể, các lò mổ trong nước sẽ thiệt hại nếu xu hướng nhập khẩu bò sống tăng đột biến những năm qua bị chững lại đột ngột.

Theo Zing

Các tin cũ hơn