Nhiều dân buôn cảm thấy chùn tay, không dám nhập nhiều iPhone 7, 7 Plus để bán trong đợt đầu tiên. |
iPhone mới ra mắt cũng là lúc các cửa hàng chạy đua để đưa máy về nước sớm nhất có thể, vừa để làm thương hiệu, vừa để "hớt váng" nhóm khách hàng có thu nhập cao - những người chịu bỏ tiền mua máy với chi phí đắt hơn thông thường.
Năm nay, iPhone 7 và 7 Plus sẽ bán ra vào ngày 16/9. Trái ngược với không khí khẩn trương của các năm trước, dân buôn đang tỏ ra dè dặt trong việc quyết định có "ôm" máy với số lượng lớn ngay trong đợt đầu tiên hay không.
Theo H., đại diện một hệ thống kinh doanh iPhone nhiều năm tại Hà Nội cho biết, anh khá sợ iPhone 7 sẽ ế ẩm ngay ở giai đoạn mới về nước. Do đó, có thể hệ thống của anh chỉ gom khoảng 40 - 50 máy phục vụ đợt bán đầu tiên, thay vì cả trăm máy như trước đây.
"Lượng người liên hệ đặt hàng năm nay không thực sự nhiều, cho thấy sức hút của sản phẩm không lớn. Có thể, việc giữ lại thiết kế cũ đã làm người dùng không muốn nâng cấp. Trong khi đó, các tính năng được xem là mới của iPhone 7 không đột phá, một số khác đã có trên điện thoại Android", anh H. lý giải cho quyết định không "ôm" nhiều iPhone 7 trong đợt này.
Thực tế cho thấy, màn chào giá iPhone 7 của một số cửa hàng đưa ra tuy cao nhưng không ở mức "trên trời" như các năm trước. Chẳng hạn, iPhone 7 bản dung lượng 32 GB được chào giá 25 triệu đồng, 7 Plus là 26 triệu đồng tại một hệ thống ở Hà Nội.
Phải gánh trên mình nhiều khoản chi phí bỏ ra ban đầu để đưa máy về nước sớm, lợi nhuận cho các cửa hàng thực tế không quá cao. Năm ngoái, những chiếc iPhone 6S đầu tiên được chào bán giá khoảng 30 triệu đồng.
"Thời chào giá iPhone vô tội vạ cũng có người mua đã qua", theo lời người này. Mức chào bán không quá cao phần nào cho thấy sự thiếu tự tin của dân buôn đối với iPhone 7.
Chia sẻ với PV, một số cửa hàng tại Hà Nội cho biết, họ sẽ cử người xếp hàng tại Singapore, Hong Kong để đưa máy về sớm với mục đích làm thương hiệu, nhưng không nhập máy số lượng lớn để bán trong những ngày đầu vì "rủi ro cao".
Trong 2 năm gần đây, nhiều dân buôn "sấp mặt" vì iPhone 6 và 6S. Có người thua lỗ cả trăm triệu đồng vì gom hàng số lượng lớn để bán đợt đầu nhưng giá máy sụt quá nhanh dẫn đến không thể thu hồi vốn kịp.
Năm 2014, khi Apple lần đầu tiên ra bản iPhone 6 Plus màn hình 5,5 inch. Cửa hàng không nắm bắt được nhu cầu của người dùng cho sản phẩm này, dẫn đến tình trạng cháy hàng trong 1-2 ngày đầu tiên máy lên kệ.
Thời điểm đó, mỗi chiếc iPhone 6 Plus có giá lên đến 50-70 triệu đồngnhưng cửa hàng không có máy để bán. Các cửa hàng - vì thế - tìm mọi cách để gom hàng về nhưng ngay sau đó, giá máy giảm mạnh dẫn đến tình trạng lỗ vốn trầm trọng.
Trong khi đó, 2015 là năm nguồn hàng iPhone dồi dào nhất. Ngay cả một số cửa hàng nhỏ cũng nhập số lượng lớn về bán dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Kết quả là, giá iPhone 6S tại Việt Nam tụt dốc không phanh, khiến dân buôn lỗ cả trăm triệu đồng. Chỉ trong vòng một tuần từ khi về nước, iPhone 6S và 6S Plus đã giảm 12-13 triệu đồng - tương đường gần 2 triệu đồng mỗi ngày.
Do đó, việc ôm máy số lượng lớn để bán đợt đầu hiện được xem là một "canh bạc" của dân buôn. Nếu suôn sẻ, họ có thể thu lời cả trăm triệu, kiếm tiền bằng nhiều tháng khác cộng lại nhưng chỉ cần thị trường biến động ngoài dự kiến, số tiền mất đi cũng không hề nhỏ.
Nhiều cửa hàng lớn cho biết sẽ chọn cách an toàn là nhập máy với số lượng vừa phải, chỉ dành cho khách quen và khách đặt trước để tránh tồn hàng. Theo khảo sát, tỷ lệ iPhone 7/7 Plus về nước trong đợt đầu tiên có thể ở mức 40/60.
Khách mua máy sớm đều là những người có thu nhập cao hoặc dùng làm quà tặng nên cửa hàng ưu tiên chọn các bản dung lượng cao như 128 GB và 256 GB.
Theo Zing