Nằm cách trung tâm TP.Thanh Hóa 50km về hướng Tây, làng Luận Văn (xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) là nơi duy nhất trong cả nước còn trồng được giống bưởi đỏ. Giống bưởi này được cho là loại quả quý đem dâng vua vào thời Hậu Lê.
Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, bưởi Luận Văn được khách săn đón, mua về đặt lên mâm ngũ quả. Giống bưởi này nổi tiếng không chỉ bởi thương hiệu xưa nay mà còn đặc biệt bởi vị chua chua ngọt ngọt, mùi thơm đặc trưng.
Bưởi đỏ Luận Văn có vị chua ngọt, mùi thơm đặc trưng được khách ưa chuộng chưng mâm ngũ quả vào dịp Tết. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Khi còn non, quả bưởi có màu xanh nhưng khi chín thì chuyển màu đỏ từ trong ra ngoài vỏ. Người dân quan niệm bưởi đỏ sẽ mang đến tài lộc, may mắn trong năm mới.
Thời điểm này, các hộ trồng bưởi ở Luận Văn hầu như đã bán hết. Từ tháng 9, tháng 10 âm lịch, thương lái đã về đặt bưởi cho dịp Tết. Đến đầu tháng chạp, thương lái bắt đầu đánh ôtô về lấy hàng.
Ông Thêm, một hộ trồng bưởi lâu năm, cho hay năm nay bưởi được mùa, sai trái vì thời tiết thuận lợi và người dân đã đúc rút được kinh nghiệm, chăm sóc tốt hơn.
“Vài năm trước, do thời tiết nên bưởi rụng nhiều. Chúng tôi không tính số lượng thu hoạch nên không dám nhận đơn đặt hàng sớm. Năm nay thì cả làng rất phấn khởi”, ông Thêm vui vẻ nói.
Anh Nguyễn Văn Hành (41 tuổi) cho biết bưởi năm nay được mùa. Trung bình, mỗi hộ vẫn thu về từ 30-40 triệu đồng sau vụ. Tuy nhiên, giá bán có phần sụt giá hơn năm ngoái, dao động từ 80.000 đến 200.000 đồng một quả lấy tại vườn. Cặp quả tròn đẹp có giá 400.000-500.000 đồng.
Cặp quả đẹp bưởi đỏ được khách trả giá 400.000-500.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Lãnh đạo UBND xã Thọ Xương cho hay toàn xã hiện đã mở rộng diện tích lên 10ha trồng bưởi Luận Văn (tăng gấp đôi so với các năm trước) với khoảng 4.000 gốc.
Trong đó, 8ha trồng chuyên canh theo mô hình vườn đồi, 2ha trồng xen canh vườn hộ gia đình. Gia đình ông Lê Viết Huấn (64 tuổi) là hộ dân hiện trồng bưởi nhiều nhất xã với khoảng 50 gốc.
Theo Zing