Sau khi tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, hàng chục nghìn tấn thanh long, dưa hấu không thể thông quan sang thị trường Trung Quốc phải quay về tìm đường tiêu thụ trong nước. Ngay lập tức, hàng trăm doanh nghiệp cùng cộng đồng tham gia giải cứu nhiều mặt hàng nông sản nhằm giúp nông dân giảm thiểu thiệt hại.
Ngoài các loại quả như dưa hấu, thanh long, sầu riêng, tôm hùm cũng là một trong những nông sản bị thiệt hại nặng trong dịch này bởi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn của tôm hùm Việt Nam. Việc không thể thông quan khiến ngư dân nuôi tôm thất thu nặng nề, nhất là khu vực Khánh Hoà.
Một chuỗi thực phẩm sạch ở Hà Nội tham gia "giải cứu" tôm hùm. |
Theo khảo sát, trước Tết, tại các vựa tôm, tôm hùm bông có giá hơn 1,8 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh hơn 650.000 đồng/kg, đến nay tôm hùm bông chỉ còn 1,5 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh 550.000 đồng/kg nhưng lượng xuất bán được rất ít. Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều hộ nuôi tôm thuộc khu vực Khánh Hoà gọi thương lái đến bắt nhưng đều không thể bán được hàng do chưa thể xuất đi Trung Quốc.
Xuất phát từ ý tưởng giải cứu nông sản cho người nông dân, một chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội đã quyết định thu mua tôm hùm với giá cao và bán với mức giá hợp lý.
Một lãnh đạo của cửa hàng này cho biết, cơ sở của mình tự dùng quỹ để nhập tôm về, sau đó vận chuyển ra Hà Nội, giao đến tận tay khách hàng khi tôm vẫn còn sống và khỏe. Được biết, chuỗi cửa hàng này đã đến tận nơi để thu mua tôm hùm với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường, sau đó sẽ bán ra với giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng.
Chuỗi cửa hàng thực phẩm tham gia giải cứu tôm hùm tại Hà Nội. |
Theo ghi nhận, tôm hùm xanh được bán tại chuỗi cửa hàng thực phẩm có giá 1.095.000 đồng/kg (trước đây có giá 1.500.000 đồng/kg), tương đương từ 299.000-500.000 đồng/con tôm có trọng lượng từ 300-400gr.
"Mỗi ngày số lượng khách đặt mua cũng tương đối lớn. Tuy nhiên đây là mặt hàng có giá trị cao, bảo quản cũng không phải đơn giản, nếu tôm chết sẽ gây thiệt hại lớn nên cửa hàng chủ yếu nhận khách đặt trước. Một cơ sở sẽ bán vài chục kg mỗi ngày, tuỳ nơi. Do khâu vận chuyển và bảo quản khó khăn và đắt đỏ nên dù được mua với giá khoảng 500.000 - 600.000 đồng/kg tại vựa tôm nhưng ra đến ngoài này tính chi phí cũng tăng lên hơn 1 triệu đồng/kg. Tuy nhiên giá này cũng khá rẻ so với trước khi giải cứu", một nhân viên thuộc chuỗi cửa hàng này chia sẻ.
Nhân viên này cũng cho biết, nếu khách muốn mua với số lượng trên 5kg sẽ không có ngay mà phải đặt trước, ngày hôm sau sẽ có hàng. Hàng về vào khoảng 9-10h sáng mỗi ngày và đến trưa sẽ được bán hết, tôm hùm xanh được bày bán đều còn sống khoẻ mạnh khi đến tay khách.
Trung bình mỗi con tôm hùm được bán với giá 299.000 đồng. |
Toàn tỉnh Khánh Hoà có 49.400 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng nuôi hàng năm hơn 1.440 tấn, chủ yếu tập trung tại các địa phương như: Cam Ranh, Vạn Ninh, Nha Trang. Theo ước tính của Chi cục Thủy sản, phần lớn lượng tôm thịt đến thời kỳ xuất bán đã được người dân bán trước Tết Nguyên đán, lượng tôm còn tồn chỉ khoảng 20 - 25%.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hoà cho biết: Không riêng gì tôm hùm, các mặt hàng như: ốc hương, cá mú, cá chẽm… và hàng nông sản khác đều bị tác động bởi Covid-19. Ngành thủy sản tỉnh đang phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản của người dân để có biện pháp ứng phó phù hợp. Đối với lượng tôm còn tồn, chưa xuất khẩu được, trước mắt người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, chăm sóc tốt; bên cạnh đó cần theo dõi sát tình hình thị trường. Trong quá trình nuôi, người dân cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý; áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng.
Theo VTC