|
Xoài Đài Loan là loại nông sản có giá trị kinh tế cao nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. |
Những ngày đầu tháng 5, miền Tây Nam Bộ xuất hiện các cơn mưa đầu mùa, cũng là lúc nhà nông bắt tay vào gieo trồng, trong đó có nhiều giống cây ăn trái của nước ngoài, như xoài Đài Loan, xoài Thái, mít Thái, sầu riêng Thái, dừa dứa Thái Lan, khoai lang tím Nhật… Việc mở rộng diện tích trồng cây ăn trái ngoại này trong lúc giá cả tăng giảm thất thường được khuyến cáo là lo nhiều hơn mừng.
Xoài Đài cho gà, vịt ăn
Xoài là một trong những loại cây ăn trái chủ lực ở một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, nhờ có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện các địa phương có diện tích trồng xoài lớn như An Giang với hơn 10.247ha, Đồng Tháp hơn 10.169ha, Vĩnh Long 4.899ha, Tiền Giang 3.759ha, Cần Thơ 2.837ha, Kiên Giang 2.712ha, Sóc Trăng 2.048ha…
Thời gian qua, việc phát triển diện tích trồng xoài có nhiều thuận lợi do thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng, tạo động lực cho nông dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, do người dân đổ xô trồng, nhất là giống xoài Đài Loan, xoài Thái nên dẫn đến nhiều rủi ro đối với loại sản phẩm này.
Trong vụ thu hoạch xoài vừa rồi, do ảnh hưởng khách quan từ dịch Covid-19, loại trái cây này bị dội hàng từ thị trường chính Trung Quốc, dẫn đến giá xuống thấp, nhà vườn thiệt hại nặng nề. Nhiều thương lái phải cho xoài quay đầu, đổ đống bán "giải cứu" khắp lề đường ở TP.HCM.
Ba năm trở lại đây, ông Đặng Văn Gàn (ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã thay các giống xoài trong nước bằng giống xoài Đài Loan. Theo ông Gàn, về giá cả đầu ra thì xoài cát Hòa Lộc hầu như luôn ở mức cao so với xoài giống Đài Loan, xoài Thái vì ăn rất thơm ngon và thường xuyên không có đủ hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, do giống xoài Đài Loan cho năng suất cao hơn nhiều xoài cát Hòa Lộc nên đa phần các hộ có diện tích trồng ít đều chọn giống xoài nhập ngoại này.
Thời gian qua, diện tích trồng xoài Đài Loan tại nhiều nơi liên tục tăng cao, gây nguy cơ thừa hàng rớt giá. Khoảng 2 tháng trước, có thời điểm xoài Đài Loan chỉ còn mức 4.000 - 6.000 đồng/kg. Còn hiện tại, xoài Đài Loan bán chẳng ai mua nên nhiều nhà vườn vứt bỏ cho gà, vịt ăn khi trái chín.
Ồ ạt trồng mít Thái
Cùng với xoài Đài Loan và xoài Thái, những năm gần đây, nông dân ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ… cũng ồ ạt lên liếp trồng mít Thái "siêu nhanh" (nhanh ra trái và thoái hóa nhanh - PV). Điều này gây ra nguy cơ cung vượt cầu.
Theo ông Võ Thanh Sang (ngụ quận Cái Răng, TP.Cần Thơ), việc cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mít Thái rất đơn giản. Theo đó, chỉ cần đào mương cạn để lấy đất lên liếp là trồng được mít Thái. Hơn nữa, cây mít Thái thích nghi với thổ nhưỡng ở miền Tây Nam Bộ nên dễ trồng, năng suất và sản lượng cao, múi giòn, ngọt, thơm ngon, cho nhiều múi, ít xơ… nên được nhiều nông dân chọn trồng dù thừa biết giá cả bấp bênh.
Ông Nguyễn Văn Út (ngụ xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cho biết với 3.000 m2 đất gò cao trồng lúa kém hiệu quả, gia đình ông đã được chuyển đổi sang trồng mít Thái hơn 3 năm qua. Ban đầu, nhờ có cây mít đem lại giá trị kinh tế cao, có thời điểm 60.000 đồng/kg nên đời sống gia đình ông bớt khó khăn. Nếu so hiệu quả, trồng 3 cây mít sẽ cho thu nhập bằng 1 công lúa (1.000m2).
Tuy nhiên, theo ông Út, giá mít Thái đang rớt thê thảm, loại 1 (từ 9kg trở lên) thương lái thu mua tại vườn 9.000 - 11.000 đồng/kg (giảm 20.000 - 24.000 đồng/kg so với tháng trước); loại 2 (từ 5 - 8kg) có giá 6.000 - 7.000 đồng/kg; loại 3 (từ 5kg trở xuống) chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân thua lỗ.
Theo ông Lê Văn Lon (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), giá cả trồi sụt là do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. "Nếu họ "ăn hàng" thì giá mít lên, còn không thì giá rớt xuống. Do diện tích trồng nhiều nên mít chín liên tục, nếu thương lái không mua thì đem bán lẻ ngoài chợ chỉ có 2.000-3.000 đồng/kg" - ông Lon lo lắng.
Ông Hà Bửu Khánh, Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận do đổ xô trồng các loại cây ăn trái ngoại nên nhiều nông dân ở ĐBSCL phải chịu cảnh được mùa mất giá, hàng dội chợ rớt giá thê thảm. Vì vậy, tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo nông dân nên nắm rõ được thị trường và tìm đầu ra ổn định trước khi mở rộng diện tích cây trồng để tránh tình trạng cung vượt cầu.
"Thất sủng" khoai lang Nhật, dừa dứa Thái
Khoảng 10 năm trước, dừa dứa xuất xứ từ Thái Lan bắt đầu xuất hiện ở Bến Tre và Tiền Giang, sau đó được người dân khắp vùng ĐBSCL trồng. Việc tiêu thụ cũng dễ dàng nhờ giống dừa này có vị ngọt thanh, hương thơm mùi lá dứa rất dễ chịu. Tuy nhiên, do dừa dứa được trồng ồ ạt tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, lai tạp với dừa thường, dẫn đến năng suất không cao, giá lại rớt, thấp hơn cả dừa xiêm.
Trong khi đó, ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long được xem là "thủ phủ" của khoai lang tím Nhật nhưng do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên lúc xuất khẩu được thì giá "nhảy" lên 6.500 đồng/kg, lúc bí đầu ra thì chỉ còn 1.500 đồng/kg. Nhiều nông dân nơi đây đang lao đao với giống khoai ngoại này.
|
Theo NLĐ