Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho hay giá xăng dầu thế giới lên cao là lý do liên bộ phải cân nhắc tính toán các phương án điều hành.
"Nếu tăng giá trong nước lên sẽ gây những ảnh hưởng bất lợi, do vậy những phương án cụ thể phải tính toán thêm mấy ngày nữa. Các phương án điều chỉnh vẫn đang bàn và liên bộ chưa quyết định phương án nào”, ông Hải cho hay.
Theo Bloomberg, giá xăng A95 tại Singapore ngày 25/2 ở mức 134,4 USD mỗi thùng, giảm nhẹ so với mức 134,7 USD của 3 ngày trước đó.
Tuy nhiên, trong gần một tháng trở lại đây, tình hình giá xăng đi lên theo hình gấp khúc. Sau khi tăng 131, 4 USD vào ngày 4/2, giá xăng giảm nhẹ xuống còn 129,9 USD vào ngày 5/2. Sau đó, giá xăng đổi chiều liên tục đi lên đạt mức trung bình khoảng 135 USD và đỉnh điểm ngày ngày 15/2 vọt lên tới 136,5 USD mỗi thùng.
Giá xăng dầu thế giới trong một tháng gần đây tăng mạnh. |
Liên quan đến việc nhiều cây xăng bán nhỏ giọt, mất điện ở một số khu vực của Thanh Hóa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết, Bộ đã nắm được thông tin nhưng chưa được rõ ràng, Bộ sẽ cho tiến hành rà soát. Một lãnh đạo chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho hay, đơn vị đã kiểm tra trên địa bàn và tính tới chiều ngày 25/2, chưa phát hiện trường hợp cây xăng nào găm hàng. |
Trước đó, một lãnh đạo Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, Cục đã trình 4 kịch bản điều hành giá xăng lên lãnh đạo Bộ Tài chính. Các phương án đều được tính tới các công cụ như giảm thuế, tăng giá, và Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, ông không tiết lộ phương án cụ thể.
Một lãnh đạo xăng dầu cho hay, hiện nay, các doanh nghiệp vẫn chưa đề xuất phương án điều chỉnh giá xăng dầu mà mới chỉ báo cáo về tình hình lỗ lãi cho liên bộ Tài chính - Công Thương. Mức lỗ đối với mặt hàng xăng vẫn ở khoảng 800 đồng mỗi lít sau khi trích quỹ bình ổn.
Trong vòng 1 tuần trở lại đây, lượng tiêu thụ xăng dầu của đơn vị ông bán ra tăng hơn mức bình thường. “Còn 3 hôm nữa mới hết tháng, nhưng mức tiêu thụ trong tháng 2 đã lên tới 31.000 tấn trong khi tháng này được nghỉ tới 9 ngày Tết. Những tháng trước đó, sản lượng tiêu thụ xăng dầu mỗi tháng chỉ dao động quanh mức 28.000 - 30.000 tấn”, ông nói.
Lý giải hiện tượng tiêu thụ tăng đột biến này, ông cho hay, chủ yếu do tâm lý về khả năng điều chỉnh giá xăng dầu sắp tới, ngoài ra phải kể đến dịp trước Tết, người dân tranh thủ đi đổ xăng. Lãnh đạo này cũng cho biết, việc cung ứng cho các đại lý xăng dầu ở doanh nghiệp mình vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng “chọn mặt gửi vàng”, ưu ái cho các trường hợp thân thiết.
“Trong bối cảnh tình hình xăng dầu đang căng thẳng, các đầu mối vẫn phải đảm bảo cung ứng cho các đại lý. Nếu không đảm bảo nguồn hàng, các đại lý sẽ ký kết các đơn vị khác”, ông cho hay. Ngoài ra, theo ông, để tránh trường hợp găm hàng của đại lý xăng dầu, đầu mối vẫn phải kiểm soát gắt gao.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, trong bối cảnh đầu năm, phương án điều chỉnh giá xăng dầu phải được tính toán kỹ càng, cẩn trọng.
Theo công bố của Bộ Tài chính, mỗi lít xăng đã chứa tới 6.500 đồng tiền thuế, phí nên ngoài việc điều chỉnh, liên Bộ cần kết hợp các phương án khác, trong đó, đặc biệt lưu tâm về vấn đề giảm thuế phí. Ngoài ra, cần nhanh chóng tạo môi trường kinh doanh xăng dầu bình đẳng theo cơ chế thị trường để tránh hiện tượng độc quyền của các ông lớn.
“Mức giảm thuế đến đâu còn tùy thuộc vào ngân sách, điều quan trọng là phải tính toán và kết hợp hài hòa các phương án để tránh việc người dân phải gánh chịu giá xăng dầu quá cao”, bà nói.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 2 tăng 1,32% so tháng trước và cả nước từ đầu năm (so với tháng 12/2012) tăng 2,59%. “Năm 2013, kinh tế được đánh giá còn khó khăn. Để tránh CPI biến động thì các phương án điều chỉnh giá xăng dầu phải cân nhắc”, bà Lan đánh giá.
Theo VnExpress