Quản lý thị trường sữa: “Việt vị” từ giá đến chất lượng

Thứ tư, 27/02/2013, 07:16
Thị trường sữa đang liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc cho người tiêu dùng. Vụ sữa dê nhập khẩu của công ty Mạnh Cầm có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng về chất lượng. Từ đầu tháng 3/2013 tới, trên 150 mặt hàng sữa thuộc các nhãn hiệu đang chiếm trên 90% thị phần sữa nước và sữa bột tại Việt Nam sẽ tăng giá 7–15%.

Nhìn lại thời gian qua, do sữa là mặt hàng đặc biệt, các cơ quan quản lý đã có rất nhiều nỗ lực nhằm quản lý giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cho đến năm ngoái, việc quản lý giá tưởng như đã vào nề nếp khi mỗi lần tăng giá sản phẩm nào, doanh nghiệp phải thuyết minh cơ cấu tính giá với các thông tin chi tiết như giá nhập khẩu, các chi phí – nguyên nhân tăng, tỷ lệ tăng...

Và đã từng có mặt hàng (thuộc hãng sữa Nestlé) không thuyết phục được cơ quan quản lý nhà nước, nên không được phép tăng giá.

sữa dê Danlait 
 Sữa dê Danlait do công ty Mạnh Cầm nhập khẩu.

Thế nhưng ở lần tăng giá này, doanh nghiệp đã tìm ra cách để thản nhiên tăng giá, chỉ gửi thông báo đến Cục Quản lý giá về mức tăng và thời hạn áp dụng mà thôi.

Theo quy định hiện hành thì mặt hàng sữa phải thực hiện đăng ký giá là sữa pha chế theo công thức dạng bột cho trẻ em dưới 6 tuổi. Và nhà sản xuất đã lách quy định bằng cách đổi tên sữa cho trẻ em thành “sản phẩm dinh dưỡng”.

Sữa Nuti IQ ghi “thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng”. Optimum được đề là “sản phẩm dinh dưỡng”. Anfalac A cho trẻ từ 0–6 tháng tuổi, hay Anfakid A cho trẻ từ 3 tuổi đều ghi là sản phẩm dinh dưỡng. Lactogen Gold 2 ghi là thức ăn dinh dưỡng dành cho trẻ từ 6–12 tháng tuổi. Friso Gold cho trẻ từ 1–3 tuổi thì ghi là thực phẩm bổ sung…

Do vậy, với việc thay đổi tên gọi sản phẩm đối với sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi – không phải sữa bột nữa mà là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung thì không thuộc diện phải đăng ký giá theo quy định.

Ông Nguyễn Ngọc Châu, phó tổng giám đốc công ty Hancofood chia sẻ, lý do mà tất cả các công ty sữa có thể tăng giá mà không cần đăng ký với Cục Quản lý giá (thuộc Bộ Tài chính) là nhờ dựa vào quy định của Bộ Y tế rằng: Chỉ những mặt hàng sữa nào có hàm lượng đạm trên 34% mới được phép ghi trên bao bì là sữa bột.

Mà theo khuyến cáo từ các chuyên viên dinh dưỡng, trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng trẻ em từ nước ngoài thì hàm lượng đạm thích hợp để trẻ em tiêu hoá tốt khoảng 11–18%, nên tất cả các hãng sữa nội và ngoại đều sản xuất theo công thức đạm thấp hơn 34%, và đều đổi cách ghi sữa bột thành thực phẩm bổ sung là phù hợp với khuyến cáo của Bộ Y tế.

Dĩ nhiên, khi thay đổi cách ghi trên bao bì, sợ người tiêu dùng không mua, hãng nào cũng tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho người bán: “Đó vẫn là loại sữa như cũ”.

Về quản lý chất lượng, vụ việc của công ty Mạnh Cầm đã chỉ ra việc quản lý theo kiểu hậu kiểm – tuy là cách làm văn minh, cũng chưa thể rốt ráo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mà việc kiểm tra, kiểm soát, lấy mẫu ngẫu nhiên thử nghiệm chưa được tổ chức thường xuyên.

Việc cơ quan quản lý thị trường vào cuộc tuy có ngăn chặn được lượng sữa chưa phân phối của Mạnh Cầm ra thị trường, nhưng nhiều người tiêu dùng đã phải đối mặt với việc đã rồi khi lỡ sử dụng sản phẩm.

Từ vụ việc của công ty Mạnh Cầm, dư luận đã chỉ ra công tác quản lý thị trường sữa (bao gồm cả giá cả và chất lượng) vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Cụ thể là việc sữa nhập khẩu xách tay (không đăng ký chất lượng, không nộp thuế, không có nhà sản xuất – phân phối chịu trách nhiệm…) đang bán tràn lan ở các shop, cửa hàng trực tuyến, không ai quản lý. Các hãng sữa khi thay đổi bao bì, công bố tăng thêm các thành phần vi chất DHA, AHA, taurin, cholin… thì thực tế cũng không có cơ quan nào kiểm chứng được việc thay đổi thành phần là có thực hay chỉ là quảng cáo.

Cuối cùng, người tiêu dùng buộc phải... thông minh khi tiêu thụ sản phẩm sữa.

Theo SGTT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích