Từ mùng 4 Tết, khi không khí xuân còn tràn ngập trong nhà, ngoài ngõ, chàng trai Nguyễn Đức Bình ở huyện miền núi Thanh Chương (Nghệ An) đã tạm biệt gia đình, xách ba lô sang Lào theo yêu cầu của ông chủ. Lên quốc lộ 46 để bắt xe khách sang Lào nhưng nhà xe chưa chạy, Bình phải nhờ người chở thẳng sang thị trấn Phố Châu, Hà Tĩnh theo đường Hồ Chí Minh. Đứng đợi gần nửa ngày, cuối cùng cậu cũng bắt được xe chạy từ Hà Tĩnh để sang Lào làm việc.
Trên chuyến xe 24 chỗ, có rất nhiều thanh niên như Bình đang ngủ gà ngủ gật. Họ đang làm nghề thợ sơn ở Lào, được ông chủ cho về Tết gần một tuần.
Tại khu vực làm thủ tục xuất cảnh ở Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, từ sáng mùng 4 Tết đã có hàng chục thanh niên miền Trung xếp hàng làm thủ tục để qua Lào, Thái Lan làm ăn. Một cán bộ ở đây cho biết, từ sau Tết đến giữa tháng 2 âm lịch, lượng người miền Trung xuất ngoại qua cửa khẩu này tăng đột biến, chỉ một số ít khách đi du lịch, còn lại đều đi làm thuê cho các ông chủ ở Thái, Lào.
Mùng 4 Tết đã có hàng chục thanh niên chờ đợi làm thủ tục xuất cảnh sang Lào ở cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. |
Sau nửa năm làm thợ hồ ở thành phố Vinh nhưng thu nhập không đáng bao nhiêu, sau Rằm tháng Giêng, anh Hà Văn Kiểu ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương khăn gói sang Lào làm ăn. Anh cho biết, làm việc ở Lào có thu nhập khoảng 4-6 triệu đồng mỗi tháng, tuy không thật cao nhưng họ giữ được tiền, không ăn tiêu nhậu nhẹt, cưới hỏi như lúc đi làm trong nước. Một số ông chủ Lào còn lựa chọn phương án cuối năm mới cho công nhân lĩnh tiền một đợt để về nước.
Mấy năm gần đây, xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc bị hạn chế, đi Đài Loan, Malaysia, Ảrập không mang lại thu nhập như mong muốn, người dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình bắt đầu chuyển hướng sang thị trường Lào, Thái Lan. Đây là khu vực giáp với các tỉnh miền Trung, chỉ cần đi ôtô hơn nửa ngày trời là sang đến Lào và qua sông Mekong làm thủ tục nhập cảnh là sang được đất Thái Lan.
Tại các tỉnh thuộc Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan như Nakhon Phanom, Mục Đa Hãn, Sacon Nakhon, Udonthani,... có rất nhiều bà con Việt kiều sinh sống. Đa số họ làm các nghề như giò chả, mở hiệu ăn, tiệm may mặc, thầu xây dựng. Lao động Việt Nam sang Lào, Thái chủ yếu làm thuê cho các ông chủ người Việt này.
Chị Nguyễn Thị Hải ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) sau một năm làm ăn ở Lào, được bạn mách bảo đã nhập cảnh sang Thái Lan, làm nghề thợ may trong một cơ sở của ông chủ người Việt Nam, trừ hết các chi phí ăn ở, mỗi tháng chị được trả công gần 7 triệu đồng, điều mà ở quê nhà chị có mơ cũng không dám nghĩ tới.
"Đi làm ở Lào, Thái là được gần nhà hơn, thủ tục không rắc rối, không tốn tiền vé máy bay. Các ông chủ ở Thái Lan rất thân thiện, không có chuyện bóc lột công nhân, khi bên nhà có việc cần về là họ tạo điều kiện nên ngày càng có nhiều lao động Việt Nam sang đây làm ăn", chị Hải cho biết.
Không chỉ lựa chọn con đường sang Lào, Thái Lan, nhiều thanh niên ở các huyện miền núi Tương Dương, Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An lại chọn con đường sang Trung Quốc làm việc. Sau Tết, những thanh niên này xuống quốc lộ 1A, bắt xe khách ra Móng Cái (Quảng Ninh) và xuất cảnh sang làm việc ở các nhà máy chế biến nhựa, nông sản và một số công trình xây dựng khu vực biên giới Trung Quốc.
Sau Tết, mỗi ngày có hàng nghìn người đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình làm hộ chiếu, giấy thông hành để đi nước ngoài khiến các trung tâm này luôn ở tình trạng tắc nghẽn, quá tải.
Đại diện Phòng quản lý xuất nhập cảnh Quảng Bình cho biết từ dịp ra Tết đến nay, trung bình mỗi ngày có gần 1.000 người đến trung tâm làm thủ tục giấy tờ xuất nhập cảnh. Cá biệt ngày 19/2 có hơn 1.300 người đến làm thủ tục. Tại Nghệ An, để đáp ứng nhu cầu làm hộ chiếu, giấy thông hành của người dân, 100% cán bộ của Phòng quản lý xuất nhập cảnh được huy động làm việc hết tốc lực nhưng hàng ngàn người dân vẫn phải xếp hàng rồng rắn ở ngoài để đợi đến lượt mình làm thủ tục.
Hàng trăm người chờ đợi để được làm hộ chiếu, giấy thông hành tại Phòng quản lí xuất nhập cảnh Nghệ An. |
Trào lưu xuất ngoại sang Thái, Lào, Trung Quốc của người dân miền Trung diễn ra từ nhiều năm nay. Hầu hết những người này đều đi lao động chui, không qua các công ty hay tổ chức được cấp phép nào.
"Ngoài một số ít công ty Việt Nam có trụ sở ở Lào thuê công nhân người Việt sang trồng cao su, làm công nhân xây dựng còn lại đa số người đi làm ở Thái, Lào đều theo dạng người đi trước kéo anh em, họ hàng, bạn bè sang sau", một cán bộ của Sở Lao động Thương binh xã hội Nghệ An cho biết.
Ông Đào Trọng Lý, Phó chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại Thái Lan cho biết hiện nay Thái Lan chưa chính thức cấp phép cho lao động người Việt, họ sang đây theo dạng du lịch và theo quy định chỉ được ở lại Thái Lan trong vòng 1 tháng. Để "lách luật", hàng tháng những người này phải qua cửa khẩu Lào để làm thủ tục nhập cảnh lại.
Đại diện Sở lao động Thương binh xã hội Nghệ An cho biết, mỗi năm có từ 10 đến 12 nghìn lao động tỉnh này sang Lào làm việc. Những người này đi theo dạng lao động tự do, thời vụ nên sau 3 tháng ở Lào, họ lại phải quay về các cửa khẩu ở Việt Nam để làm thủ tục nhập cảnh trở lại. Nếu xảy ra tai nạn, những người này không được hưởng quyền lợi gì.
Theo VnExpress