Gần đây, nhiều thành viên trên Facebook và các trang mạng xã hội đang chia sẻ nhau thông tin mà một số người tự cho là "hữu ích" để phòng tránh trong trường hợp bị tên cướp ép rút tiền trên máy ATM. "Không nên phản kháng, vì không biết hắn có thể làm gì với bạn. Việc nên làm là hãy nhập mã số PIN của bạn theo chiều ngược lại. Ví dụ: nếu mã số PIN của bạn là 1234 thì bạn hãy ấn 4321", lời khuyên này cho hay.
Thông tin được lan truyền trên Facebook gần đây và được các thành viên chia sẻ rộng rãi. |
Theo lý giải của tác giả đưa ra lời khuyên này, nếu ấn ngược mã số PIN, tiền sau khi nhả ra được một nửa sẽ dừng lại và đồng thời một thông báo sẽ được gửi đến công an. "Mỗi máy ATM đều cài sẵn chương trình này", lời khuyên nêu.
Trao đổi với PV, hầu hết Giám đốc các trung tâm thẻ của nhiều ngân hàng lớn cũng như Hiệp hội Thẻ Việt Nam đều khẳng định đây là thông tin phi lý và không chính xác.
Ông Nguyễn Minh Phương - Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank) - tỏ ra vô cùng sửng sốt khi nghe thông tin này.
Ông Phương cho biết, nguyên tắc để tiền nhả ra là khách hàng phải nhập đúng mã PIN và đồng thời, tài khoản của người đó có đủ tiền. Như vậy, khi nhập ngược mã PIN coi như đã vi phạm một trong hai nguyên tắc trên. "Không thể có chuyện này được, ít nhất là trong hệ thống của Agribank", ông Phương - người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thẻ ATM khẳng định.
Đại diện Hiệp hội Thẻ Việt Nam cũng khẳng định thông tin trên là lừa đảo và trên hệ thống ATM không hề cài chương trình tự động này. Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thẻ Việt Nam nhấn mạnh: "Tôi đã kiểm tra tất cả ATM của các ngân hàng trên toàn hệ thống và thông tin này hoàn toàn không chính xác. Nếu tin vào điều này, khách hàng sẽ bị lừa đảo mất mã PIN và rất nguy hiểm".
Giám đốc một trung tâm thẻ cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên chia sẻ, phát tán các thông tin chưa có sự thẩm định này để tránh gây thiệt hại cho bản thân và mọi người. Vị này phân tích, nếu nhập ngược mã PIN, vô tình là một sự gợi ý mã PIN chính xác của mình cho kẻ lừa đảo.
Hầu như không ai xác định được tác giả của đoạn trích dẫn trên nhưng thông tin này lại đang được cộng đồng mạng chia sẻ và phát tán với tốc độ rất nhanh trên Facebook. Theo tìm hiểu của PV, "mã PIN ngược" (Reverse PIN Scam) là một trong những trò lừa đảo khá cổ điển được lan truyền trên mạng từ vài năm trước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, trò đùa này thời gian gần đây xuất hiện trở lại và phát tán trên Internet gây hoang mang người tiêu dùng.
Theo VnExpress