Kết thúc phiên họp về chính sách quan trọng nhất trong năm sau 2 ngày làm việc, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cuối ngày qua quyết định giữ nguyên quy mô kích thích tiền tệ, khiến USD giảm mạnh. Dollar Index, chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt giảm 0,9%, xuống thấp nhất kể từ ngày 17/6, đẩy giá vàng tăng vọt.
Giá vàng đang hưởng lợi từ chính sách nới lỏng của FED, nhưng vẫn chịu áp lực khi Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu nữ trang. |
Từ mốc 1.300 USD, giá không ngừng đi lên, liên tiếp phá vỡ các mốc 1.330 rồi 1.360 đôla. Sau đó, chốt phiên Mỹ ngày 18/9, mỗi ounce tăng gần 67 USD, mức tăng mạnh nhất trong vòng 15 tháng, lên sát 1.367 USD.
Trong khi đó, thị trường kỳ hạn đóng cửa trước khi FED đưa ra quyết định nên giá vàng giao tháng 12 chốt ngày 18/9 chỉ tăng 32,80 USD, lên sát 1.342 USD. Và sáng nay, giá cũng đã vọt qua ngưỡng 1.360 USD một ounce.
Thị trường châu Á mở cửa sáng nay với tâm lý khá thận trọng, giá dao động trong biên độ hẹp, có lúc xuống sát 1.360 USD một ounce rồi đến 7h10 Hà Nội, lại lên 1.364,50 USD.
Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 34,9 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá đóng cửa 18/9 của vàng miếng trong nước xoay quanh 37,27-37,47 triệu đồng.
Song hành với đà đi lên của kim loại quý, các thị trường khác cũng tăng mạnh. Theo đó, giá bạc hôm qua tăng 6,5%, mức mạnh nhất kể từ tháng 11/2008 trong khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng hơn 1,2% lên mức cao kỷ lục mới. Ngoài ra, giá dầu thô cũng bật cao.
Hiện nay, giá vàng hưởng lợi từ quyết định giữ nguyên gói kích thích kinh tế tại Mỹ, tuy nhiên cũng phần nào chịu áp lực khi nhu cầu vàng vật chất tại Ấn Độ- nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới có khả năng sẽ suy yếu. Bởi hôm qua, một báo cáo của nước này cho biết, thuế nhập khẩu vàng trang sức đã tăng từ 10% lên 15% nhằm giảm thâm hụt vãng lai.
Theo VnExpress