Trong văn bản gửi Thủ tướng của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long ký, khẳng định sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đều thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước quản lý giá.
Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng trên thế giới sản phẩm dinh dưỡng có sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi rất đa dạng về tên gọi, chủng loại, nhưng tên gọi chung là “dinh dưỡng công thức” cộng với tên của nhà sản xuất. Với sản phẩm sữa dạng bột, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ được Bộ Y tế xây dựng và gọi là dinh dưỡng công thức (thay vì sữa như trước) để hòa nhập với quốc tế và Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex).
Ông Long cho rằng quy định sữa thuộc mặt hàng bình ổn giá được thực hiện từ năm 2008, việc Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật với sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ và áp dụng từ giữa năm 2013 không gây hiểu lầm, cũng như không làm tăng giá sản phẩm.
Nhiều phụ huynh lo lắng khi nhiều mặt hàng sữa nhập khẩu liên tục tăng giá từ đầu năm đến nay |
Trao đổi với PV, đại diện Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết ngày 28/3/2013, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Quang Trung đã có văn bản gửi Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, thông báo đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, Cục Quản lý giá có thể tham khảo để áp giá tương ứng với sản phẩm thường được gọi là sữa đã nằm trong danh mục quản lý giá.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay việc sữa được đổi tên là sản phẩm dinh dưỡng công thức luôn được Cục Quản lý giá lấy làm lý do, giải thích cho việc giá sữa tăng không kiểm soát được.
“Kể từ năm 2007 đến nay giá sữa đã tăng 30 lần và vẫn không kiểm soát được, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm dinh dưỡng công thức mới áp dụng từ tháng 6-2013, vậy mà cứ đổ giá sữa tăng do đổi tên là chúng tôi không đồng ý. Quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm dinh dưỡng công thức hiện mới có đến sản phẩm cho nhóm trẻ dưới 36 tháng, còn sản phẩm chứa sữa cho trẻ 3-6 tuổi vẫn gọi là sữa như bình thường thì giá cũng tăng, đó là do đâu?” - một đại diện Cục An toàn thực phẩm bức xúc cho biết.
Theo ông Lê Hoàng (phó trưởng phòng quản lý sản phẩm Cục An toàn thực phẩm), rất cần có thông tư liên tịch giữa các bộ liên quan, quy định sản phẩm dinh dưỡng công thức, sữa và sản phẩm có chứa sữa thuộc danh mục quản lý giá gồm những mặt hàng nào và tiến hành quản lý theo quy định trong Luật giá.
Trao đổi với PV, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nói việc thay đổi tên gọi từ sữa thành “dinh dưỡng công thức” cũng là một trong những lý do tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sữa, đặc biệt là sữa nhập khẩu, thỏa sức tăng giá từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, nhìn tổng thể việc giá sữa trên thị trường bị đẩy cao gấp 4 lần so với giá nhập khẩu là do các cơ quan quản lý bị động, thiếu trách nhiệm, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với nhau.
Theo ông Ngô Trí Long, kiểm soát giá sữa nên theo hướng doanh nghiệp kinh doanh sữa và tương tự phải đăng ký giá trước khi điều chỉnh. Nếu mức tăng giá không phù hợp thì cơ quan quản lý sẽ tuýt còi. Ngoài biện pháp hành chính thì Nhà nước cũng nên có giải pháp kinh tế như thuế, hoặc yêu cầu các doanh nghiệp thương mại nhà nước nhập sữa để cạnh tranh về giá đối với các doanh nghiệp khác.
Theo Tuổi Trẻ