Phân bón giả tràn lan

Thứ bảy, 21/09/2013, 09:02
Hàng trăm vụ vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón bị phát hiện từ đầu năm đến nay dường như chỉ là bề nổi của tảng băng vốn đã gây quá nhiều thiệt hại cho nông dân từ nhiều năm nay.

phân bón

Sẽ hạn chế được tình trạng phân bón giả nếu cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

Đem đất chỗ này bán chỗ khác

Ngày 20/9, tại hội nghị quản lý thị trường phân bón do Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức tại TP.HCM, Hiệp hội Phân bón VN báo cáo: “Các thủ đoạn làm giả phân bón hiện nay là những tổ hợp nhỏ lẻ nơi vùng sâu vùng xa, nhái nhãn mác của những thương hiệu uy tín.

Thống kê hiện có hơn 100 cơ sở nhỏ lẻ và trên 30 công ty làm nhái nhãn hiệu đang bán sản phẩm trên 40 tỉnh thành. Hàm lượng dinh dưỡng được quảng cáo trên bao bì là 53% nhưng khi cơ quan chức năng kiểm định thì tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 2,9%... không khác nào đem đất chỗ này mang đến nơi khác bán cho nông dân”.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm có 171 vụ vi phạm về phân bón, một số vụ phân bón giả, kém chất lượng bị thu giữ có số lượng lớn như Chi cục QLTT tỉnh Hòa Bình chuyển hồ sơ sang cơ quan công an khởi tố vụ kinh doanh 36 tấn phân bón giả, QLTT tỉnh Yên Bái phối hợp với cơ quan công an phát hiện xử lý 2 vụ vận chuyển 225 tấn phân DAP nhập từ Trung Quốc không đảm bảo chất lượng…

Đáng chú ý là các đối tượng nghiên cứu rất kỹ các quy định pháp luật để việc vi phạm chỉ giới hạn xử lý hành chính, né tránh trách nhiệm hình sự, chỉ đóng bao làm giả nhãn hiệu quen thuộc với số lượng vừa đủ để vận chuyển theo từng đợt…

Siết chặt điều kiện hoạt động

Mặc dù là lĩnh vực thiết yếu, quan trọng liên quan đến đời sống hàng chục triệu nông dân và an sinh xã hội nhưng tình hình quản lý thị trường phân bón hiện nay đang tồn tại nhiều kẽ hở.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục QLTT, phân tích: “Lực lượng kiểm tra, kiểm soát hiện nay còn mỏng, trang thiết bị nghiệp vụ vừa thiếu vừa yếu, vừa lạc hậu, kinh phí thiếu thốn, đặc biệt là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng. Chế tài xử lý vi phạm quá nhẹ chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Việc cấp phép sản xuất, kinh doanh phân bón còn lỏng lẻo, một doanh nghiệp có thể được cấp vài chục tên sản phẩm, không quy định bắt buộc cho việc sản xuất phân bón”.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát kinh tế kiến nghị: “Bộ luật Hình sự quy định hành vi sản xuất phân bón giả bị xử lý hình sự nếu người sản xuất, buôn bán phân bón giả với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng. Các văn bản pháp luật trong lĩnh vực phân bón chưa chặt chẽ, còn có những sơ hở để đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng lợi dụng hoạt động, khi cơ quan chức năng phát hiện thì không xử lý được”.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Công thương cho biết đã hoàn thành dự thảo nghị định về quản lý phân bón để lấy ý kiến và trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón chỉ được hoạt động sau khi đáp ứng đủ điều kiện nghiêm ngặt và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Với quy định này, các tổ chức cá nhân sản xuất phân bón sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng, đồng thời loại bỏ được những cơ sở sản xuất yếu kém, hạn chế được tình trạng phân bón giả, kém chất lượng.

Dự thảo nghị định cũng quy định các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu và nhập khẩu phân bón, các văn bản này sau khi được ban hành và có hiệu lực sẽ đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về phân bón.

Theo Thanh Niên

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn