Mua sắm qua truyền hình: Thực tế khác xa quảng cáo

Thứ bảy, 21/09/2013, 16:35
Thời gian qua, hoạt động mua sắm trực tuyến ngày càng nở rộ trên các kênh truyền hình. Nhờ có hình ảnh sinh động kèm theo những lời mời gọi "có cánh" nên kiểu bán hàng này đang "ăn" khách.

Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp người tiêu dùng rơi vào tình trạng khóc dở, mếu dở về chất lượng thực tế, giá cả của các sản phẩm mà không biết kêu ai.

Không như quảng cáo

Anh Mạnh Hùng ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách đây 3 tháng thấy trên truyền hình có quảng cáo sản phẩm máy tập tan mỡ bụng cho phụ nữ, anh quyết định mua tặng vợ. Theo như lời quảng cáo, chỉ cần tập liên tục với máy trong vòng một tháng là có thể giảm được 3 - 5cm vòng bụng. Tuy nhiên, đã hai tháng kiên trì luyện tập, vòng eo của vợ anh không giảm chút nào.

mua hàng qua tivi
Để tránh mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm ở những nơi có uy tín. Trong ảnh: Lựa chọn mua hàng tại siêu thị Big C.

Chị Thúy Nhạn ở Bạch Mai (Hai Bà Trưng) cũng ở hoàn cảnh tương tự khi lỡ tin mua sản phẩm kem tan mỡ 3D quảng cáo trên truyền hình tới 890.000 đồng, tặng thêm một máy mát xa. "Cứ tưởng máy đó tốt, ai ngờ mua về dùng chưa được 10 phút đã hỏng. Nhân viên bán hàng ban đầu phục vụ tận tình, nhưng khi nghe khách phản ánh máy không dùng được thì mất tích luôn tới giờ" - chị Nhạn bức xúc. Với trường hợp của chị Thu Hương (Hồ Đắc Di) mua nồi nướng thủy tinh, theo quảng cáo, thời gian nướng chín thịt gà chỉ 45 phút, nhưng thực tế phải nướng hơn 2 tiếng đồng hồ.

Trên đây chỉ là số ít trong rất nhiều ý kiến phản ánh của người tiêu dùng thời gian qua về các hình thức lừa đảo liên quan đến các giao dịch mua bán hàng qua kênh truyền hình. Trong đó, các phản ánh tập trung vào một số hình thức lừa đảo như bán hàng kém chất lượng, không đúng như quảng cáo, đề nghị người tiêu dùng đặt cọc tiền mua rồi không giao hàng, không bảo hành, chỉ bán hàng qua điện thoại, không có điểm bán trực tiếp...

Ngoài các vi phạm về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dán nhãn phụ thì nhiều nhãn hàng còn được thổi phồng "mua một bán mười". Ví dụ, một chiếc máy mát xa nhập từ Trung Quốc có giá khoảng 8 USD (chưa đến 170.000 đồng) tuy nhiên, sau khi "thổi phồng" công hiệu trên các kênh truyền hình, sản phẩm được bán với giá gần 2 triệu đồng.

Trong khi đó, theo như quảng cáo, mức giá này đã được giảm 50%, hay như chiếc quần lót chỉ khoảng 10.000 đồng nhưng bán ra gần 400.000 đồng (như trường hợp của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vạn Gia Hảo bị phát hiện hồi đầu tháng 5 vừa qua). Đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm chăm sóc có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng hiện tượng này cũng rất phổ biến.

Khó kiểm soát

Hình thức bán hàng qua truyền hình có ưu điểm là tiếp thị hàng đến mọi người xem, giá cả cụ thể, giao hàng tận nơi, tuy nhiên các khiếu nại về mua sắm lại đang có xu hướng tăng nhiều hơn. Theo một cán bộ của Cục QLTT, đa số những đơn vị bán hàng chỉ hoạt động trực tuyến qua sóng, không có cửa hàng hay địa điểm cụ thể. Vì vậy, khi nhận được khiếu nại của người tiêu dùng, cơ quan chức năng có muốn kiểm tra cũng rất khó.

Ông Vương Ngọc Tuấn - phụ trách Văn phòng Tư vấn khiếu nại, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, Hiệp hội đã có ý kiến trực tiếp với các đài truyền hình. Nhưng đa số các kênh bán hàng đều cho rằng, họ chỉ là trung gian môi giới, quảng cáo các mặt hàng nhập khẩu chứ không phải là nhà cung cấp nên họ không chịu trách nhiệm về những khiếu nại trên.  

Trong một thông báo mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng đã khuyến cáo người tiêu dùng nên lưu ý một số vấn đề trước khi quyết định mua hàng qua kênh truyền hình. Trong đó, người tiêu dùng cần phải lựa chọn các kênh truyền hình uy tín thông qua việc tham khảo ý kiến bạn bè, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, khách hàng nên kiểm tra lại thông tin về hàng hóa, DN và các chính sách bán hàng trước khi quyết định đặt hàng, kiểm tra kỹ thông tin về người bán.

Theo KTĐT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn