“Tất cả các điều chỉnh về giá cho dòng sản phẩm dành cho trẻ em (0-6 tuổi) của Abbott luôn được đăng ký với Cục quản lý giá - Bộ Tài chính”. Đại diện hãng sữa Abbott tại Việt Nam khẳng định với PV xung quanh chuyện giá sữa tăng thả phanh bỏ mặc quyền lợi người tiêu dùng trong nước.
"Chúng tôi không “thổi" giá”
Theo một tài liệu khai báo hải quan, một hộp sữa Similac Gain số 2 dành cho trẻ từ 6 tháng tới 1 tuổi của hãng Abbott (Hoa Kỳ) loại 900 gr có giá bán tại thị trường trong nước là 460.000 đồng/hộp. Thế nhưng theo bảng giá sữa nhập các DN kê khai tờ khai hải quan lại chỉ từ 100.000 – 150.000 đồng/hộp (tương đương 5-7USD/hộp). Giá sữa nhập một mà bán ra thị trường bị “thổi phồng” gấp 5-6 lần gây cơn sóng bức xúc trong dư luận.
Bộ Tài chính cho rằng, sở dĩ mặt hàng sữa bị “thả nổi” từ đầu năm tới nay là do sự “thay tên đổi họ” theo quy định của Bộ Y tế.
Bổ sung vào danh mục hàng hóa quản lý giá, giá sữa ngoại trên thị trường sẽ hết tăng "thả phanh"? |
Tuy nhiên, khẳng định với PV, đại diện Công ty Abbott Laboratories S.A Vietnam (Abbott Việt Nam) cho rằng, không có chuyện giá sữa nhập khẩu chính thức của Abbott về Việt Nam qua nhà phân phối chính thức và duy nhất là Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A giá rẻ tới vậy.
Ông Đỗ Thái Vương – Giám đốc Đối ngoại Abbott Việt Nam khẳng định, không có chuyện DN này nhập khẩu giá thấp như vậy rồi sau đó lại “đẩy” giá bán trong nước lên cao. Những thông tin về sữa ngoại giá nhập chỉ 100.000 ngàn/hộp mà bán ra tăng 5-6 lần gây bức xúc dư luận gần đây, Abbott Việt Nam cho rằng, không phải là bảng khai giá nhập khẩu sản phẩm được phân phối bởi nhà phân phối chính thức và duy nhất của Abbott tại Việt Nam – Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A.
Tuy nhiên ông Vương từ chối cung cấp bản khai giá nhập khẩu chính thức của 3A với lý do bí mật cạnh tranh.
Giá đăng ký với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đối với sản phẩm này là 548.000 VNĐ/hộp.
Theo đại diện Abbott, hiện giá bán sản phẩm này trên thị trường hiện đang ở mức 478.000 VNĐ/hộp, thấp hơn cả giá đã đăng ký với cơ quan điều hành giá.
So sánh hai mức giá này, vị đại diện Abbott Việt Nam nhấn mạnh, giữa giá nhập khẩu và giá bán trên thị trường các sản phẩm của Abbott do Công ty 3A phân phối không hề “ăn dày”, trung bình mức chênh chỉ hơn 10.000 VNĐ/sản phẩm/tùy loại.
“Giá nhập khẩu sản phẩm của chúng tôi luôn tuân thủ quy trình khai báo với Cục Hải Quan, cũng như tất cả các điều chỉnh về giá cho dòng sản phẩm dành cho trẻ em (0-6 tuổi) luôn được đăng ký với Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính, mức giá các sản phẩm của chúng tôi đã được Cục Quản lý Giá – Bộ Tài chính ghi nhận”- Giám đốc đối ngoại Abbott Việt Nam nhấn mạnh thêm.
Lãnh đạo Abbott Việt Nam cũng khẳng định, DN này hiện vẫn gửi báo cáo đăng ký giá về Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính). Sở dĩ cột đăng ký kê khai giá sữa bị trống là do DN đã thay đổi tên gọi sản phẩm theo quy định của Bộ Y tế. “Không thể nói DN không đăng ký giá mà chúng tôi vẫn thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, do tên gọi không phải sữa nên không thể kê khai giá ở cột sữa mà giá các mặt hàng này được DN kê khai ở cột dành cho sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng….”.
Giá sữa cùng loại tại các nước đắt hơn Việt Nam
Theo tìm hiểu của PV, giá sữa ngoại Cô gái Hà Lan (Friesland Campina), Abbott, Enfa bán tại một số thị trường Singapore, Malaysia và Hồng Kông... cao hơn từ 10-50% so với giá sản phẩm cùng loại tại Việt Nam.
Đơn cử, tại Hồng Kông, dòng Similac Gain bước 2 của Abbott giá hiện ở mức 260 HKD/900gr, quy đổi tỷ giá tương đương 715.000 VNĐ;
Tại Singapore giá bán khoảng 40,9 SGD/900gr, tương đương 690.000 VNĐ. Còn giá bán tại thị trường trong nước đối với dòng sản phẩm này hiện ở mức 460.000 – 470.000 VNĐ/900gr tùy đại lý.
Tại Singapore, dòng Friso Gold bước 2 của hãng FrieslandCampina giá bán là 43 SGD/900gr (tương đương 735.000 VNĐ), tại Hồng Kông - 246 HKD/900gr tương đương 675.000 VNĐ; trong khi cùng dòng sản phẩm này được Friesland Campina nhập về Việt Nam bán với giá 435.000 VNĐ/900gr.
EnfaPro bước 2 của Mead Johnson giá tại thị trường Hồng Kông là 294 HKD/900gr, tương đương 725.000 VNĐ, gấp rưỡi so với mức giá 470.000 VNĐ/900gr hiện đang bán trong nước.
Tại Malaysia, Abbott bước 2 giá bán lẻ khoảng 510.000 đồng/hộp. Nhỉnh hơn tại Việt Nam khoảng 30.000 đồng/hộp.
Đáng nói, tại Hồng Kông mặt hàng sữa dành cho trẻ em không phải chịu thuế VAT và thuế nhập khẩu, cả 2 loại thuế này hiện là 0%.
Cùng chủng loại sữa, hãng sữa nhưng giá bán tại Hồng Kông cao hơn giá bán trong nước khoảng 1,5 lần |
Vì vậy, giá sữa nhập nguyên hộp từ các nước khó lòng có giá vài chục ngàn đồng như tờ khai hải quan đang gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến nghi ngờ nghiêng về việc liệu DN nhập khẩu có cố tình hạ thấp giá để trốn thuế?
"Bóp phanh" giá sữa
Câu chuyện giá sữa nhập ngoại tại Việt Nam cao bất thường không phải chỉ diễn ra gần đây. Giá bán lẻ trên thị trường Việt Nam cao gấp vài lần giá nhập khẩu đã nhiều lần được báo chí đề cập. Mỗi lần các DN sữa thông báo tăng giá là mỗi lần các ông bố, bà mẹ lại “đau đầu” vì giá sữa tăng đồng nghĩa ví tiền mua sữa cho con cũng vơi bớt.
Chia sẻ với PV, đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, “dù giải thích cách nào thì các hãng sữa đang ứng xử không công bằng với người tiêu dùng”.
Thường theo thông lệ thì một hãng phân phối chiếm 30% thị phần thì được coi là độc quyền, và hiện thị trường sữa Việt Nam đang bị chi phối bởi và phụ thuộc vào vài ba hãng sữa lớn. Mỗi năm các DN sữa ngoại đều công bố điều chỉnh giá 3- 4 lần mặc cho giá nguyên liệu thế giới tăng hay giảm. Chi phí hoa hồng cho đại lý, nhân viên y tế, tiếp thị, quảng cáo, lợi nhuận khổng lồ được các doanh nghiệp tính hết vào giá bán tới người tiêu dùng. “Họ nói vì quyền lợi người tiêu dùng, nhưng lấy hết cớ này cớ khác để tăng giá sữa thì quyền lợi khách hàng ở đâu?” – ông đặt câu hỏi.
Vị này cũng tỏ ý “trách” các cơ quan quản lý đã buông lỏng “quản” thị trường sữa, và chỉ vào cuộc khi báo chí lên tiếng. “Có đầy đủ công cụ điều hành giá trong tay nhưng giá sữa lúc nào cũng trong tình trạng nhảy múa, mọi thiệt hại về giá người tiêu dùng gánh chịu hết”- ông bức xúc.
Trong công văn giải trình về quản lý giá thị trường sữa của Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ngày 19/9, Bộ Tài chính cho rằng, các sản phẩm trước đây được ghi là sữa đều thuộc danh mục bình ổn giá và phải đăng ký giá tại Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính. Nhưng với việc Bộ Y tế ban hành quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng, hầu hết các mặt hàng được đổi sang tên mới và được loại khỏi danh mục mặt hàng bình ổn giá theo như quy định của Luật Giá.
Trước tình trạng trên, Bộ Tài chính đã ba lần có công văn gửi Bộ Y tế về việc phân loại các sản phẩm sữa và về việc tên gọi mặt hàng sữa, các sản phẩm từ sữa gửi một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối mặt hàng sữa, đề nghị cung cấp danh sách tên mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi và các sản phẩm dinh dưỡng.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đề xuất phương án “Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để quy định cụ thể đối với các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức (trước đây là sữa) xem xét việc kê khai giá đối với những sản phẩm này.
Đồng thời, nếu các sản phẩm trên thực chất là sữa hoặc có công dụng như sữa, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Y tế cần trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục bình ổn giá thực hiện biện pháp theo quy định của Luật Giá để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trẻ em.
Như vậy là với cách thống nhất này, dù sản phẩm sữa có bị gọi theo đủ loại tên đăng ký là sữa hay thực phẩm bổ sung dinh dưỡng… thì từ nay đã được “định vị” là vẫn phải kê khai giá đúng theo luật định.
Chưa biết sau quá trình “ngồi lại bàn bạc để đi đến thống nhất” giữa các bộ liên quan bàn giải pháp “quản” thị trường sữa kết quả ra sao, tình trạng thả phanh giá sữa liệu có cách gì “tuýt còi” ngăn chặn hiệu quả?
Không còn sản phẩm nào là “sữa”
Theo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) ngày 7/8/2013, cơ quan này đã có công văn gửi các doanh nghiệp yêu cầu các đơn vin này cung cấp danh mục sản phẩm sữa, các sản phẩm thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng... dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận mà hiện nay đơn vị đang sản xuất, kinh doanh, phân phối. 17/18 doanh nghiệp đã gửi báo cáo về cơ quan giá. Kết quả là các doanh nghiệp đều cho biết, theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng của Bộ Y tế thì hiện nay không còn sản phẩm nào (theo giấy phép chứng nhận của bộ Y tế) có tên là sữa bột dành cho trẻ em dưới sáu tuổi. Tên được chính thức sử dụng trên nhãn mác sản phẩm là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức. |
Theo Infonet