Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Jack Lew ngày 25/9 đưa ra cảnh báo ngân sách Chính phủ nước này sẽ còn chưa đến 50 tỷ USD vào tháng sau. Nếu kế hoạch ngân sách không được thông qua trước 30/9 với trần nợ mới, nhiều cơ quan sẽ phải đóng cửa, đặt nền kinh tế trước nhiều rủi ro.
Rủi ro tài khóa tại Mỹ tiếp tục hỗ trợ giá vàng. |
Cuộc chiến giữa hai đảng trong Quốc hội về vấn đề nợ công có thể gây trở ngại cho đà phục hồi kinh tế còn chưa vững của Mỹ. Năm 2011, Chính phủ nước này cũng đã đối mặt với bế tắc trong việc nâng trần nợ công, khiến giá vàng tăng vọt, đã từng lên mức kỷ lục 1.923,7 USD một ounce trong ngày 6/9/2011.
Trên thực tế, đà phục hồi kinh tế Mỹ vẫn yếu, đang có những tác động đến lòng tin tiêu dùng. Điều này sẽ làm tăng vai trò trú ẩn an toàn của vàng.
Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo cho thấy các ngân hàng trung ương vẫn đang tích cực gom vàng. Có 8 trường hợp đã mua vàng trong tháng trước, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ mua nhiều nhất (23,344 tấn, đưa tổng lượng nắm giữ lên 487,351 tấn). Thông tin trên đã hỗ trợ cho giá kim loại quý đi lên.
Chốt phiên Mỹ tối 25/9, mỗi ounce tăng hơn 10 USD, lên sát 1.333 USD. Trước đó, có lúc giá lên sát 1.340 USD. Cùng lúc, giá vàng giao tháng 12 chốt ngày quanh 1.335,30 USD, tăng khoảng 19 USD so với phiên liền trước.
Thị trường kim loại quý tạm thời chưa xác định rõ xu hướng trong giờ giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á. Tính đến 7h45, giờ Hà Nội, mỗi ounce có giá 1.333,30 USD, gần như không thay đổi so với mở cửa.
Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 34 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá đóng cửa ngày hôm qua của vàng miếng trong nước xoay quanh 37,34-37,50 triệu đồng.
Về mặt phân tích kỹ thuật, các chuyên gia cho rằng khả năng đi lên của kim loại quý vẫn rất lớn. Mức kháng cự vững chắc là 1.376 USD. Còn mức hỗ trợ là 1.260 USD và 1.291,50 USD.
Theo VnExpress