Kẻ nào thổi giá sữa?

Chủ nhật, 22/09/2013, 16:16
Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu báo cáo gấp về việc tại sao thị trường sữa lại đội lên cao như vậy, chứng tỏ thị trường sữa đang có những dấu hiệu thao túng rất không bình thường. Vì sao giá sữa cao như vậy? Ai giúp các hãng sữa bóc lột “dã man” người tiêu dùng thế này và trách nhiệm thuộc về ai?

“Một vốn bốn lời”?

Theo kiểm tra của các cơ quan chức năng thì sữa ngoại hiện nay nhập khẩu chỉ với giá 5-7,5USD/hộp. Nhưng khi đến tay người tiêu dùng sữa lại được bán với giá “nhảy vọt”: 400-600 nghìn đồng/hộp, tức là gấp 3-5 lần giá nhập, tùy theo từng loại.

Trong đó, phải kể đến sữa bột Similac Advance loại 658g, tính cả thuế nhập khẩu và chi phí để ra khỏi cảng nhập khẩu mới là gần 120 nghìn đồng/hộp, thế nhưng giá bán lẻ là 540 nghìn đồng/hộp; Sữa bột Similac Go&Grow loại 624g cũng nhập với đúng giá như vậy sau khi đã tính các khoản như trên, lại được bán với giá 560 nghìn đồng/hộp; Sữa bột Nestlé Nido Kinder loại 1,6kg/hộp, còn bán cao hơn nữa, tới tận 600 nghìn đồng/hộp, trong khi giá nhập đã bao gồm thuế nhập khẩu lại rẻ hơn, chưa đến 118 nghìn đồng/hộp;

Sữa bột Enfa Grow, có thể coi là nhập rẻ nhất với khoảng 95 nghìn đồng/hộp, vậy mà khi đến tay người tiêu dùng là 540 nghìn đồng/hộp. Nói chung, tính từ giá nhập đến giá bán lẻ, các loại sữa đều như vậy.

giá sữa

Thị phần của các hãng sữa tại Việt Nam năm 2012

Không chỉ chênh lệch giữa giá nhập - bán cao mà giá sữa còn tăng vô tội vạ tới hàng chục phần trăm chỉ trong khoảng thời gian “siêu” ngắn.

Đơn cử chỉ trong quý I năm nay, sữa đã 3 lần tăng giá. Còn tính đến hết 6 tháng đầu năm, có hãng sữa đã tăng giá tới 5 lần, mỗi lần tăng 5-10%, thậm chí có hãng tăng 15-20% và nhìn chung đây đều là những hãng sữa có thị phần lớn trên thị trường.

Như Nestlé, một trong những hãng chiếm thị phần lớn nhất, đầu tháng 4/2013, theo Bộ Công Thương cho biết, các sản phẩm của hãng đã tăng giá bán lẻ 8-15% trong khi các điều kiện để tăng giá như đôla, giá sữa nhập khẩu, thuế… không biến động, thậm chí còn giảm. Cụ thể, nếu so với lô hàng nhập khẩu tháng 3/2013 với số lượng hơn 19 nghìn hộp, giá nhập ở mức 46,64USD/thùng thì lô hàng cùng loại nhập chỉ sau đó một tháng, giảm còn 46,58USD/thùng. Vậy mà lô hàng sau, Nestlé lại tăng giá bán lẻ lên 15%. Quả thực là rất vô lý.

Thế nhưng, tại sao những vô lý ấy vẫn tồn tại mà không thể giải quyết nổi, khiến cho mặt hàng đáng lẽ phải bình ổn giá như sữa lúc nào cũng trong tình trạng bất biến theo chiều hướng lên cao chót vót và không có điểm dừng. Trách nhiệm này trước hết phải thuộc về các cơ quan quản lý.

Vẽ đường cho hươu chạy

Đầu tiên, xin nói về “cơ chế” quản lý thiếu ổn định, thống nhất của các cơ quan chức năng gồm Bộ Y tế, Bộ Tài chính... Trước đây, tức là hơn nửa năm về trước, tất cả những loại sữa hiện nay, vẫn được gọi là “sữa” theo đúng tên gọi của nó, kể cả cơ quan quản lý cũng gọi như vậy. Nhưng từ nửa năm đó về sau này, bất ngờ Bộ Y tế đưa ra “định nghĩa”: phải đủ 34% độ đạm mới được gọi là “sữa”, nếu không chỉ được coi là thức uống dinh dưỡng hay thực phẩm dinh dưỡng.

Vậy là hàng loạt nhãn hàng từ trước tới nay vẫn được coi là sữa, thậm chí, kể cả hiện nay trong tâm thức của người tiêu dùng, vẫn mặc nhiên đó là sữa bỗng chốc “xuống hạng” trở thành thực phẩm dinh dưỡng hay thức uống dinh dưỡng. Do hiếm có loại sữa nào dành cho trẻ lại có ngần ấy độ đạm!?

Sự “xuống hạng” này ngỡ rằng sẽ làm các hãng sữa buồn nhưng ngược lại lại trở thành cơ hội “ngàn năm có một” để các hãng sữa trốn tránh sự quản lý giá của cơ quan hữu trách, cụ thể là Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Bởi theo quy định: Mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai và đăng ký giá với Bộ Tài chính. Khi không phải chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối sữa tha hồ tung hoành, muốn “hét” giá bao nhiêu cũng được, tăng giá bao nhiêu lần cũng được, đặc biệt là những hãng sữa lớn.

Thậm chí, một số hãng sữa chiếm thị phần lớn nhất còn điều tiết, làm “lũng đoạn” giá. Như một hãng sữa lớn của Mỹ, trước “vụ” sữa nhiễm khuẩn độc vừa rồi, với khoảng 30% thị phần, đợt tăng giá nào từ trước tới nay, sữa của hãng này cũng “khởi xướng” và điều đó người ta cho rằng, vô hình trung đã “điều tiết” giá sữa và làm “lũng đoạn” giá trên thị trường.

Như vậy, có thể thấy một sự thay đổi quan niệm về sữa đã “làm bàn” như thế nào cho các doanh nghiệp, dù quan niệm ấy, theo một chuyên gia về dinh dưỡng đánh giá là bất hợp lý do trẻ em với cơ quan tiêu hóa còn non nớt, không thể nào tiêu hóa được loại sữa có độ đạm tới 34%.

Chuyên gia này cũng cho biết, trên thế giới, vẫn gọi những nhãn hàng sữa có độ đạm dưới 34% là sữa công thức chứ không thay đổi như Việt Nam.

Tuy nhiên, điều đáng nói trong việc thay đổi này là không có sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan quản lý mà “đơn phương” Bộ Y tế đưa ra, khiến cho ngay cả “người trong cuộc” như Cục Quản lý giá cũng không đồng lòng. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Quản lý giá nói: “Sắp tới, chúng tôi phải bàn lại với Bộ Y tế về quy định trên”.

Pháp luật cũng bất cập

Nói những việc trên đây, không có nghĩa là chỉ từ khi thay đổi quan niệm về sữa, giá sữa mới bất ổn. Mà thực ra, trước đó, giá sữa cũng đã là vấn đề luôn gây bức xúc cho dư luận. Nguyên nhân là do có nhiều bất cập trong công tác quản lý, ngay như Luật Giá, Luật Cạnh tranh.

Luật Giá thì chính là sự thay đổi định nghĩa về sữa nêu trên đã dẫn đến bất hợp lý trong quản lý giá. Còn Luật Cạnh tranh quy định: Một doanh nghiệp nắm thị phần từ 30% trở lên thì Nhà nước sẽ được can thiệp khi doanh nghiệp ấn định giá bán bất hợp lý. Xét dưới mọi góc độ thì Luật Cạnh tranh có thể can thiệp vào những doanh nghiệp “điều tiết” giá sữa nhưng luật lại bị giới hạn bởi chính Nghị định hướng dẫn thi hành luật khi đánh đồng tăng giá bất hợp lý với ấn định giá bán bất hợp lý.

Nghị định cho rằng, ấn định giá bất hợp lý là giá bán lẻ trung bình tăng 5% trong thời gian 60 ngày liên tiếp. Chính bất cập trong sự đánh đồng này đã làm cho cơ quan Nhà nước dù muốn cũng khó can thiệp vào những doanh nghiệp có khả năng “định hướng” giá và một lần nữa doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối sữa lại “rộng cửa” trong việc “hô” giá sữa.

Mặc dù Nhà nước quy định kinh phí dành cho quảng cáo không được quá 10% chi phí sản xuất. Nhưng do quy định chung chung như vậy nên nhiều doanh nghiệp đã “lách” luật bằng cách không đứng ra trực tiếp quảng cáo, làm truyền thông mà để công ty mẹ ở nước ngoài thực hiện công việc này nhằm vừa “đúng” luật vừa quảng cáo được với chi phí lớn.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng thư ký Hội đồng Thẩm định giá Việt Nam cho biết, có doanh nghiệp đã chi tới 40% chi phí quảng cáo. Và chi phí quảng cáo đó không chỉ dưới hình thức “tiếp thị” trên các phương tiện truyền thông mà còn thông qua kênh của chính những người trong ngành y tế bằng cách “đặt” họ “kê đơn” hoặc “định hướng” cho người tiêu dùng với mức chiết khấu lên đến 10-15%, hệt như cho đại lý cấp 1 (còn gọi là nhà phân phối) của doanh nghiệp nhập khẩu, nghĩa là mức chiết khấu lớn nhất của doanh nghiệp dành cho nhà phân phối chính.

Tuy nhiên, một điều mà các doanh nghiệp nhập khẩu sữa khác không thể phủ nhận là tất cả các chi phí, đặc biệt là những chi phí “ngoài luồng” như “bôi trơn”, chiết khấu hoa hồng, tiền quảng cáo… đều “đổ” vào giá thành và người tiêu dùng phải gánh chịu. Và đó cũng là lý do vì sao mặt hàng sữa luôn luôn “đội” giá lên cao.

Một quy định nữa của Bộ Tài chính tưởng rằng sẽ quản lý chặt chẽ giá sữa nhưng cuối cùng cũng lại là kẽ hở để cho các doanh nghiệp làm “giá sữa” ấy là quy định: Nếu mức giá tăng vượt “trần” 20% và tăng liên tiếp trong vòng 15 ngày sẽ bị “tuýt còi”. Với mức trần cao và thời gian quy định không được tăng giá ngắn như vậy có khác nào “mỡ để miệng mèo”, các doanh nghiệp chẳng tội gì “phạm luật” trong khi “cơ hội” thực sự… rộng mở để tăng giá.

Buông lỏng quản lý

Với những bất cập, kẽ hở trong “cơ chế”, quản lý giá sữa và bình ổn thị trường đã là một khó khăn nhưng cùng với đó, công tác quản lý kém hiệu quả lại càng làm cho khó khăn này khó khăn hơn.

Như chuyên gia phân tích kinh tế Ngô Trí Long đánh giá: “Với nguồn kinh phí Nhà nước cấp, các cơ quan chức năng không khó để tìm ra nguồn gốc việc tăng giá, “làm giá” vì trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, giá chào, giá bán như thế nào, giá giao dịch thực tế ra sao… đều có thể làm rõ. Nhưng vấn đề là các cơ quan chức năng không thích và không chịu làm, trong khi chính họ là đầu mối thông tin cho người tiêu dùng. Việc các hãng sữa có liên kết bí mật để tăng giá hay không, có giảm giá nhập để trốn thuế hay không… chỉ có cơ quan quản lý là rõ nhất. Cho nên việc quản lý sữa rõ ràng đang bị buông lỏng”.

Và quả thật không sai khi qua việc “loạn” giá sữa thấy rõ công tác quản lý: Bộ Y tế thì “đơn phương” quy định về thế nào gọi là sữa đã nói, mặc dù đây là lĩnh vực thuộc quản lý của các bộ nữa như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Còn Bộ Tài chính thấy bất hợp lý ở quy định trên cũng buông xuôi, chỉ đến khi các cơ quan báo chí lên tiếng mới vào cuộc nhưng chỉ bằng ý kiến là “sẽ” thống nhất lại với Bộ Y tế. Tuy nhiên, “sẽ” này cụ thể là bao giờ chẳng ai biết. Tóm lại, chỉ có người tiêu dùng là thiệt!

Để quản lý giá và bình ổn thị trường sữa một cách hiệu quả, trước hết những bất cập ấy cần phải thay đổi, cụ thể sữa nhất thiết phải trở thành mặt hàng bình ổn giá do Nhà nước quản lý vì đây là mặt hàng dinh dưỡng thiết yếu liên quan trực tiếp đến trẻ em; Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính… phối hợp chặt chẽ, nhất là trong việc “định nghĩa” lại thế nào là sữa để trên cơ sở đó với chuyên môn của mỗi bộ, ngành sẽ làm tốt công tác quản lý; Rà soát lại các loại chi phí cấu thành giá để xem khâu nào khiến giá sữa đội lên cao một cách bất hợp lý thì phải “cắt” chi phí ấy… Có như vậy mới mong người tiêu dùng thoát khỏi cảnh trở thành nạn nhân của việc “làm” giá.

Theo một doanh nghiệp, một hộp sữa ngoại nhập về Việt Nam sẽ phải chịu: Thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí bảo hiểm, phí vận chuyển và 17 khoản phí chính thống khác như: Phí giao container, phí kiểm dịch container, phí vệ sinh, lưu container, phí kiểm hóa, phí hạ vỏ, phí xử lý hàng hóa, phí kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm… Tính tổng cộng tất cả các loại phí khoảng 250 nghìn đồng/hộp.

Theo Petrotimes

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích