Ngày 19/9, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm trực tuyến về "Hướng tới thị trường gas minh bạch và an toàn" do Báo Công Thương tổ chức.
Chỉ "thống lĩnh" chứ không... độc quyền
Ông Lộc An- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu báo cáo, hiện PV Gas đang đáp ứng được khoảng gần 50% nhu cầu gas cả nước (cả sản xuất và nhập khẩu).
Nếu bao gồm cả lượng LPG Dung Quất được phân phối qua các đơn vị thành viên của PV Gas (PVGas Trading, PVGas North, PVGas South) thì PV Gas hiện cung cấp khoảng trên 70% nhu cầu cả nước. "Nếu chiếu theo quy định thì PV Gas chỉ thuộc doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, không đáng lo ngại (?)"-ông An khẳng định.
Tuy nhiên, thực tế dư luận cho rằng, giá bán gas thời gian qua luôn giảm ít mà tăng mạnh. 5 tháng đầu năm 2013, giá CP liên tục giảm, song giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn trong khoảng 305.000-360.000 VNĐ/bình 12kg. Từ tháng 6.2013 đến nay, giá bán lẻ gas đến tay người tiêu dùng liên tục tăng và đứng trong khoảng từ 350.000- 405.000 VNĐ/bình 12 kg...
Ảnh minh hoạ.
Ông Trần Trọng Hữu- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas VN, Chủ tịch Chi hội Gas miền Bắc lý giải, giá gas từ năm 2001 đến nay không có tháng nào giữ nguyên. Theo ông Hữu, hiện chi phí vận chuyển chiếm chưa tới 10% trong tổng giá thành CP.
Lợi nhuận kinh doanh gas cũng rất thấp, chỉ khoảng 0,5% doanh thu. Thị trường kinh doanh gas là thị trường đang cạnh tranh khốc liệt. Các doanh nghiệp cạnh tranh nhau quyết liệt bằng chi phí kinh doanh chứ không phải là giá đầu vào.
Chính vì thế, người tiêu dùng được hưởng lợi rất nhiều. "Tôi xin nhấn mạnh, hầu như giá gas chỉ điều chỉnh 1 tháng 1 lần. Do tính chất cạnh tranh khốc liệt theo giá thị trường nên doanh nghiệp gas hiện nay thường xuyên phải tìm cách giảm giá để bán hàng. Doanh nghiệp gas không thể tự tăng giá" - ông Hữu khẳng định.
Song theo ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN, chỉ cần doanh nghiệp chiếm thị phần chiếm khoảng 30% trở lên thì người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Mặc dù cơ chế thị trường với mặt hàng gas thực hiện từ năm 2011, đồng nghĩa có sự cạnh tranh về thị phần, nhưng với việc PV Gas chiếm tới 70% thị phần thì trong trường hợp này người tiêu dùng "đã bị ảnh hưởng quyền lợi".
Ông Hùng nêu thực tế: Hiện nay thị trường gas đang làm người tiêu dùng thiệt đơn, thiệt kép. Ví dụ vụ 148 hộ dân ở một chung cư của Hà Nội gửi đơn khẩn vì không được cung cấp gas. Theo nội dung đơn thì Công ty cổ phần Dầu khí Sông Hồng cắt gas trong khi 2 bên mua-bán chưa thống nhất giá. "Ở đây là nói đến độc quyền, nhà cung cấp gas khác đến cũng rất khó" - ông Hùng nói.
Hay có công ty đơn phương điều chỉnh tỷ trọng bán gas từ 1,2kg/m3 lên 2,35kg/m3 không đúng hợp đồng gây nên thiệt hại cho người tiêu dùng. Do không thỏa thuận với bên mua nên người dân không đồng tình, không thanh toán tiền dẫn đến tình trạng bị cắt gas sử dụng. "Tuy ngừng cung cấp gas nhưng đơn vị này cũng không cho doanh nghiệp khác vào cuộc, tất cả là do tính độc quyền"- ông Hùng khẳng định.
Ông Trần Trọng Hữu- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas VN cũng đưa ra một ví dụ đã xảy ra trên thực tế là có thông tin giá gas thế giới tháng sau tăng 50USD, ngay lập tức có DN lợi dụng đã điều chỉnh ngay giá cho hệ thống đại lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chưa có thị trường gas lành mạnh
Đây là nhận định của ông Trần Trọng Hữu- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas VN.
Ông Hữu nói: "Tôi thấy không có nước nào trong khu vực mà thị trường kinh doanh gas lại lộn xộn như thị trường VN. Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến tính mạng của người sử dụng mà cấp phép kinh doanh gas quá dễ dàng".
Theo ông Hữu, do kinh doanh gas có chi phí đầu tư quá lớn nên phát sinh hiện tượng gian lận rất nhiều, cộng thêm việc dễ dãi, chưa có chế tài rõ ràng dẫn đến việc xử lý gian lận rất khó. "Nếu chỉ có quản lý thị trường kiểm tra thì xử lý rất khó, một số cửa hàng còn thuê “đầu gấu” ngăn cản. Ngay cả, quản lý ở phường đi kiểm tra dân tình không sợ, phải có bóng dáng Công An thì mới sợ"- ông Hữu nói.
Ông Đỗ Thanh Lam- Phó cục trưởng cục quản lý thị trường Bộ Công Thương đã đưa con số sơ bộ từ đầu năm đến nay, QLTT đã xử lý 400 vụ, phạt hành chính 2 tỷ đồng, tịch thu lượng lớn tang vật gồm hơn 15 nghìn bình LPG, hơn 20 nghìn bình gas mini và nhiều dụng cụ sang chiết ga trái phép.
Ông Nguyễn Lộc An cũng thừa nhận: Việc xây mới và cấp phép các trạm chiết nạp LPG chủ yếu là các trạm của các doanh nghiệp nhỏ mới được thành lập chưa thực sự chặt chẽ, tình hình san chiết nạp LPG vi phạm các quy định về san chiết trở nên phổ biến. Các quy định và hoạt động kiểm tra, kiểm soát chưa cụ thể và sát sao, chưa có quy định quản lý đối với một số loại khí khác như LNG, CNG...
Ông Hữu đề nghị Cơ quan Quản lý Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ xử lý, nhất là có chế tài chặt chẽ, bởi hiện nay, ai cũng có thể mở được cửa hàng kinh doanh gas, chỉ 1 ngày là xong giấy cấp phép. Theo ông Hữu, đã đến lúc việc xây dựng quy hoạch hệ thống kinh doanh gas hoặc có biện pháp siết chặt việc cấp phép kinh doanh cho các cửa hàng kinh doanh gas là điều cần thiết.
Theo Danviet