Nghe chuyên gia thẩm mỹ vạch điểm xấu Hoa hậu Việt

Thứ ba, 22/01/2013, 15:32
Nhan sắc Việt đã nhiều lần được tiền hô hậu ủng để "mang chuông đi đánh xứ người" với những kỳ vọng lớn lao nhưng đã liên tiếp phải bại trận trở về không kèn không trống. Dư luận công chúng vẫn đau đáu một câu hỏi đầy tự ái dân tộc : Vì đâu nên nỗi?

Bài viết sau đây do bác sĩ Cao Ngọc Bích, một chuyên gia về thẩm mỹ, gửi tới tòa soạn báo điện tử VTC News, chúng tôi xin trân trọng đăng tải.

Một số chuyên gia đã phân tích, lý giải mong trả lời câu hỏi nói trên. Là một “tín đồ nhan sắc”, một người đã nhiều năm hành nghề làm đẹp, luôn theo dõi say mê các cuộc thi sắc đẹp và cũng đã vinh hạnh được gặp gỡ giao lưu với nhiều người đẹp, nhiều Hoa hậu Việt Nam, tôi xin góp đôi lời bàn luân với mong muốn góp thêm một  tia sáng rọi chiếu con đường ra thế giới của nhan sắc Việt.

Theo tôi thất bại của những người đẹp Việt Nam trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế là đương nhiên và sẽ còn đương nhiên như vậy dài dài. Bởi các lý do sau:

Nghe chuyên gia thẩm mỹ vạch điểm xấu Hoa hậu Việt
Khi đưa một người đẹp đi thi thì chưa thể nói họ thực sự là những đại diện xứng đáng nhất cho nhan sắc Việt Nam.

Chưa tìm được đại diện xứng đáng

Những Hoa hậu, Người đẹp được vinh danh trong các cuộc thi sắc đẹp chính thức của Việt Nam thực chất chỉ là những người thắng giải trong các cuộc thi đó chứ không phải là người đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam.

Vì chỉ có một số ít người trong tổng số phụ nữ Việt đi thi chứ không phải là tất cả. Tôi nói họ là “người thắng giải“ chứ không nói là “người đẹp nhất”, bởi vì hầu hết cuộc thi người đẹp ở xứ ta đều có chuyện  lùm xùm nghi ngờ kết quả không minh bạch.

Sự nghi ngờ này có thể xảy ra do Ban giám khảo chưa có “cặp mắt xanh” để nhìn ra người đẹp nhất, có thể do ý đồ cơ cấu của Ban tổ chức. Cũng có thể do một ngoại lực ma quỉ nào đấy tác động làm sai lêch kết quả và cũng có thể chỉ do cảm tính hay sự yêu ghét riêng tư mà sự nhìn nhận của khán giả khác với kết quả cuộc thi.

Có cả lý do về khả năng cảm nhận thẩm mỹ của những người chấm thi nữa. Nên mới có Hoa hậu mà lưng dài chân ngắn, có Hoa hậu mà răng tranh nhau chỗ đứng, có Hoa hậu mà vòng một có cũng như không ...

Trong khi đó thì ngoài xã hội chắc nhiều người trong chúng ta cũng từng một lần gặp một nhan sắc nào đó và phải thốt lên: Đẹp quá, sao không đi thi Hoa hậu? Hay: Ôi cô này đẹp hơn cả Hoa hậu...

Có nghĩa là khi đưa một người đẹp đi thi thì chưa thể nói họ thực sự là những đại diện xứng đáng nhất cho nhan sắc Việt Nam.

Khó kiếm được Hoa hậu cao trên 1m70

Nghe chuyên gia thẩm mỹ vạch điểm xấu Hoa hậu Việt
Trong khi đó về mặt cơ thể học, người phụ nữ Việt nam chỉ phát triển hài hòa ở chiều cao trung bình 1m60. Khi có chiều cao từ 1m70 trở lên hầu hết đều có sự phát triển cơ thể thiếu cân đối.

Do đặc điểm chủng tộc, những số đo về hình thái học của cơ thể người Việt Nam (cũng như các dân tộc Đông Á và Nam Á khác) luôn luôn khác biệt với phần thế giới còn lại.

Sự khác biệt này nghiêng về phía bất lợi. Chiều cao trung bình của phụ nữ Việt Nam chỉ khoảng 1m50 đến 1m60. Nhưng vì muốn chạy theo xu hướng thế giới nên chúng ta thường chọn người mẫu và người đẹp nói chung có chiều cao trên trung bình, tới 1m70 trở lên.

Trong khi đó về mặt cơ thể học, người phụ nữ Việt nam chỉ phát triển hài hòa ở chiều cao  trung bình 1m60. Khi có chiều cao từ 1m70 trở lên hầu hết đều có sự phát triển cơ thể thiếu cân đối. Càng cao sự mất cân đối càng tăng.

Với chiều cao ấy, ngoại hình thường có đặc điểm là thiếu nữ tính: khuôn mặt hơi thô, ngực mông không… đầy đặn, dáng hình đi đứng thiếu mềm mại uyển chuyển. Nếu đứng chung với những người Phương Tây thì người phụ nữ Việt Nam đó kém hẳn vẻ sexy, quyến rũ.

Vì vậy thật khó mà có điểm cao khi thi thố với người ta. Trong thực tế cũng có một vài Hoa hậu Việt Nam có sắc đẹp “không thể nào quên “ nhưng xét về nhiều mặt khác cũng khó lòng thắng các ứng cử viên phương Tây.

Yếu về khả năng thể hiện mình trước đám đông

Nhà trường Việt Nam thường chỉ chú trong dạy văn hóa mà ít bồi dưỡng các mặt khác về kỹ năng nên những năng khiếu vốn đã thiếu lại không được rèn luyện bồi dưỡng để trở thành vốn sống.

Đặc biệt thiếu những năng khiếu về nghệ thuật và những kỹ năng sống mà bây giờ thường gọi là những ”kỹ năng mềm – soft skills“. Có những người đẹp đến trước ngày đi thi quốc tế mới tập múa hát, mới đi làm từ thiện, mới ra đường nhổ cỏ để thể hiện kỹ năng bảo vệ môi trường thì làm sao mà “biến không thành có” được.

Nghe chuyên gia thẩm mỹ vạch điểm xấu Hoa hậu Việt
Khả năng giao tiếp của Hoa hậu Việt vừa kém vừa không phù hợp với những chuẩn mực của thế giới. (Ảnh minh họa)

Từ nhỏ đến lớn luôn được giáo dục để phụ thuộc chứ không phải để tự lập nên các cô gái Việt Nam đều rất yếu về khả năng thể hiện mình trước đám đông, nhất là đám đông xa lạ. Khả năng nói năng, giao tiếp vừa kém vừa không phù hợp với những chuẩn mực của thế giới.

Tư duy đã không sáng sủa, lại không thể diễn đạt được rõ ràng ngay cả bằng tiếng Việt thì nói gì tới tiếng Anh, dù cho tiếng Anh của các người đẹp đang ngày càng khá hơn.

Chẳng thế mà cái người ta sợ nhất trong các cuộc thi sắc đẹp là phải nghe phần thi ứng xử của các thí sinh.

Thậm chí các cô gái tuổi đôi mươi đến các cuộc thi vẫn phải có mẹ kè kè bên cạnh để chăm sóc và… canh chừng. Sự kèm cặp này dù là kèm thật hay kèm giả làm màu đều là phản cảm, chỉ chứng tỏ sự thiếu bản lĩnh và sự ỷ lại của các cô gái.

Phần lớn trai gái Việt Nam ở tuổi đôi mươi vẫn được các bậc phụ huynh bao bọc kỹ càng và cho là đang ở "tuổi ăn tuổi học, “dài lưng tốn vải“, "ăn chưa no lo chưa tới”, chưa làm nên trò trống gì dưới mắt người lớn và nếu có làm được thì cũng chưa được tin tưởng để giao cho làm.

Vì vậy khi được thả ra đấu trường quốc tế để tự bơi thì chỉ có nước chới với và nếu không chết chìm đã là may lắm.

Và nhiều vấn đề khác ngoài sắc đẹp, năng lực

Nghe chuyên gia thẩm mỹ vạch điểm xấu Hoa hậu Việt
Nếu cứ phải chạy theo các tiêu chuẩn phương Tây thì mãi mãi nhan sắc Á đông, nhan sắc Việt Nam khó lòng giành vòng nguyệt quế trên đấu trường quốc tế.

Cuối cùng thì chuyện cử người đi thi luôn luôn làm các thí sinh khổ sở. Luôn gấp gáp về thời gian, khó khăn về thủ tục, đôi khi còn bị xúc phạm khi so sánh và lựa chọn.

Rất nhiều những vấn đề bên ngoài sắc đẹp làm cho thí sinh mệt mỏi, đến mức chấp nhận đi chỉ để được tiếng đi thi, đi mà do dự nửa mừng nửa lo, “bước đi một bước lâu lâu lại dừng”.

Chưa kể chuyện hao tổn tiền bạc cá nhân. Chưa kể những thị phi ganh ghét cứ đuổi tới sau lưng.

Đã yếu, đã thiếu lại còn ra đi trong bối cảnh như thế, trong tâm trạng như thế thì không thất bại mới là chuyện lạ.

Nếu không có những cải cách cho các cuộc thi người đẹp Việt Nam, nếu không có những tiêu chí mới về sắc đẹp theo văn hóa Á đông, nếu cứ phải chạy theo các tiêu chuẩn phương Tây thì mãi mãi nhan sắc Á đông, nhan sắc Việt Nam khó lòng giành vòng nguyệt quế trên đấu trường quốc tế.

Theo VTCNews

Các tin cũ hơn