"Đây là quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc mà tất cả các thiết bị, tất cả các thương hiệu đều phải cam kết áp dụng", Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Dự kiến sau ngày 1/4, sẽ có tới 84 loại TV được tích hợp sẵn bộ thu kỹ thuật số DVB-T2 lưu hành trên thị trường Việt Nam. Các dòng TV đang bán ra thị trường từ trước sẽ được xem xét tích hợp và dán nhãn hợp quy sau, chưa bị xử phạt song các hãng sản xuất vẫn phải tiến hành sớm, theo đúng Thông tư hướng dẫn từ Bộ TT&TT.
Cũng theo dự thảo Thông tư hướng dẫn việc triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất nói trên, các Doanh nghiệp TV sẽ có thể tự công bố hợp quy mà không cần phải chứng nhận hợp quy từ cơ quan quản lý. Đây thực chất là mô hình hậu kiểm, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với công bố của mình, đại diện Bộ TT&TT giải thích.
Tất cả các TV bày bán trên thị trường đều phải được dán dấu hợp quy, nhãn hàng hóa và logo biểu trưng của Đề án số hóa truyền hình để người dùng có thể dễ dàng nhận ra đâu là những thiết bị đã tích hợp DVB-T2. Đối với những hộ cận nghèo, hộ nghèo đã có TV nhưng không đủ điều kiện tài chính để trang bị đầu thu kỹ thuật số, Nhà nước sẽ trích một nguồn từ Quỹ Viễn thông công ích (trị giá 1710 tỷ đồng) để hỗ trợ đầu thu cho họ. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ chỉ hỗ trợ đầu thu còn người dân sẽ phải tự sắm máy thu hình, Thứ trưởng Thắng lưu ý.
Việc mua TV tích hợp sẵn DVB-T2 sẽ giúp người dân không phải mua thêm đầu thu kỹ thuật số, không cần dùng tới 2 điều khiển và giá thành chắc chắn cũng sẽ rẻ hơn so với việc mua hai thiết bị riêng rẽ, các chuyên gia cho biết.
Để tuyên truyền cho đề án số hóa truyền hình mặt đất, Bộ TT&TT sẽ gửi tin nhắn trên các mạng viễn thông di động như Viettel, VinaPhone, MobiFone, thiết lập các trang thông tin điện tử chính thức về số hóa truyền hình và tổng đài điện thoại để tư vấn cho người dân.
Theo Vietnamnet