Đến sáng 24/4, duy nhất thông tin từ phía VNPT cho biết vị trí xảy ra sự cố đối với tuyến cáp quang Internet quốc tế AAG nằm cách bờ biển Vũng Tàu 300 km, trên đoạn đi Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.
Đại diện VNPT cho biết tàu sửa chữa của đơn vị điều hành có thể tiếp cận vị trí sự cố vào ngày 30/4 và hoàn tất công việc trước ngày 13/5. Trước đó, thông tin từ một nhà mạng khác là Viettel cho biết thời gian sửa chữa có thể kéo dài từ 3-4 tuần.
Viettel cho biết công tác sửa chữa dự kiến kéo dài 3 tuần đến một tháng. |
Theo các nhà mạng, so với những lần đứt cáp trước đây, sự cố lần này tương đối phức tạp, nguyên nhân đến nay mới chỉ xác định được là lỗi suy hao, gây chập chờn nguồn phát.Tuy vậy, các đơn vị này cũng cho biết, do có chuẩn bị tốt hơn, đường truyền Internet đi quốc tế sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn, do được san tải nhiều hơn qua các tuyến dự phòng trên đất liền.
Về lâu dài, các nhà mạng trong nước cũng đã tính đến phương án xây dựng tuyến cáp mới để giảm tải lưu lượng Internet đi qua AAG. Theo đó, các công ty lớn gồm VNPT, Viettel, FPT đang tham gia đầu tư tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương APG (Asia Pacific Gateway), với chiều dài hơn 11.000km và băng thông dự kiến 4Tbps. Dự kiến tuyến cáp quang mới sẽ đi vào hoạt động từ 2016.
Hiện nay, AAG (Asia America Gateway) là hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km kết nối khu vực Đông Nam Á với bờ tây nước Mỹ, đi qua Thái Bình Dương và các đảo Guam và Hawaii. Số tiền đầu tư xây dựng tuyến cáp là 500 triệu USD do 19 công ty sử dụng tuyến cáp đóng góp. Có 4 công ty Việt Nam cùng tham gia đầu tư vào dự án này gồm FPT Telecom, Viettel, VNPT, SPT.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp đã nhiều lần gặp sự cố. Trong đó, đứt cáp hay xảy ra nhất tại đoạn Hong Kong đến Singapore. Các phân đoạn Hong Kong đi Philippines và Philippines đi Mỹ ổn định hơn.
Trong năm 2014, tuyến cáp quang bị đứt 2 lần vào tháng 7 và tháng 9. Kể từ năm 2011 đến nay, có ít nhất 7 lần tuyến cáp bị đứt, trong đó có nhiều lần ở phân đoạn Vũng Tàu đi Hong Kong.
Theo VnExpress