Samsung, Apple, Oppo và sự nhàm chán của thị trường di động Việt

Thứ tư, 19/07/2017, 09:14
Thị trường di động Việt Nam hiện nay chứng kiến cuộc cạnh tranh của 3 ông lớn Samsung, Oppo, Apple. Yếu tố bất ngờ gần như không có.

Samsung vừa lập kỷ lục bán được 40.000 chiếc Galaxy J7 Pro - con số cao nhất trong một đợt mở bán sản phẩm của hãng. Trước đó, Oppo hé lộ bán được 1 triệu máy F1S tại Việt Nam trong năm 2016.

Tuy nhiên, nếu hỏi xem những chiếc di động này khiến người dùng hào hứng ra sao so với thời Nokia Lumia 520 hay Asus Zenfone 5 trước đây thì câu trả lời rõ ràng là chúng còn kém rất xa.

Thiếu nhân tố đột phá

Bản thân J7 Pro, Oppo F1S đều là những sản phẩm tốt. Nếu không tốt, rất khó có chuyện chúng lập được những kỷ lục khổng lồ về doanh số như vậy. Những smartphone này đều có thiết kế thân thiện, cấu hình đủ dùng, camera đẹp và giá bán “đi vào lòng người”.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những ý kiến cho rằng thành công của chúng phần nhiều đến từ chiến lược marketing rầm rộ của các ông lớn Samsung và Oppo.

Năm 2013, Lumia 520 xuất hiện trên thị trường với tư cách smartphone Lumia rẻ nhất, kèm giá bán hơn 3 triệu đồng. Ở thời điểm đó, di động này sở hữu những thông số rất khiêm tốn như RAM 512 MB, màn hình 4 inch WVGA nhưng để tìm được một sản phẩm có trải nghiệm tương đồng chạy Android, người dùng phải bỏ ra ít nhất 5 triệu đồng.

Thị trường di động Việt Nam không có nhân tố đột phá.

Sự xuất hiện của Lumia 520 thiết lập một tiêu chuẩn mới về giá cho smartphone giá rẻ thời điểm đó. Tương tự là trường hợp của các sản phẩm dòng Zenfone đời đầu ra mắt một năm sau đó. Chính những sản phẩm này góp phần định hình lại bức tranh thị trường di động giá rẻ tại Việt Nam, dẫn đến sự ra đời của hàng loạt di động chất lượng tầm giá 3-5 triệu đồng sau này.

Ngày nay, thị trường thiếu hoàn toàn những sản phẩm như vậy.

Hàng loạt thương hiệu di động mới như Vivo, Xiaomi, Meizu ồ ạt xâm nhập thị trường nhưng những gì họ mang lại phần lớn các các mẫu di động an toàn, thiếu đột phá cả về thiết kế lẫn giá bán. Do đó, dù rất nhiều cái tên ra mắt mỗi tháng, người dùng phổ thông nhanh chóng quên mất tên gọi của nó chỉ sau thời gian ngắn.

Năm nay, sự xuất hiện trở lại của thương hiệu điện thoại Nokia mang đến nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, dễ thấy HMD Global – chủ sở hữu thương hiệu điện thoại Nokia hiện nay – thực hiện những bước đi quá dè dặt. Nokia 3310, Nokia 3 hay Nokia 5 đều về nước với số lượng hạn chế, gây tình trạng khan hàng nghiêm trọng.

Smartphone Nokia từng được kỳ vọng nhưng chưa tạo đủ sức nặng trên thị trường.

Đại diện hãng này nói, ưu tiên hàng đầu của họ là để người dùng Việt Nam biết rằng có một thương hiệu Nokia như vậy đã trở lại, bảo tồn những giá trị cũ. Tuy nhiên, hạn chế về mặt truyền thông của họ khiến mong muốn này chưa đạt được.

Trong khi đó, nhiều tên tuổi cũ như LG, HTC, Sony đang tỏ ra yếu thế. Thực tế, smartphone của các thương hiệu này đã bị bật bãi khỏi kệ hàng của nhiều nhà bán lẻ do không thể cạnh tranh doanh số.

Để nhận xét về thị trường di động hiện nay, nhiều chuyên gia dùng đến 2 từ: ổn định và nhàm chán.

Ổn định đến mức nhàm chán

Theo thống kê của 2 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, 8/10 smartphone bán chạy nhất nửa đầu 2017 thuộc về Samsung và Oppo với những cái tên quen thuộc Galaxy J7 Prime, J5 Prime, Oppo F1S, A39. 2 cái tên còn lại thuộc về Apple. Đáng chú ý, những cái tên smartphone bán chạy này liên tục xuất hiện trong nhiều tháng, không có bất cứ thay đổi nào.

Như vậy, toàn bộ thị trường gần như gói gọn trong 3 cái tên này. Số lượng lớn lên đến cả chục nhà sản xuất còn lại không có nổi một smartphone chen chân vào top 10.

Danh sách 10 smartphone bán chạy nhất tại Việt Nam trong một tuần thời điểm tháng 4/2017 không có cái tên nào ngoài Samsung, Oppo và Apple. Số liệu: GfK.

Samsung, với ngân sách không giới hạn và chính sách rải bom sản phẩm ở mọi phân khúc đang chứng tỏ vị thế số một thị trường một cách vững chắc. Theo thống kê gần đây, có những tuần thương hiệu này chiếm 50% doanh số smartphone bán ra tại Việt Nam.

Những sản phẩm của họ gần đây cũng được chăm chút rất lớn để thu hút người tiêu dùng. Chẳng hạn, smartphone cao cấp của hãng như S8 sử dụng màn hình thiết kế không viền, các mẫu máy tầm cận cao cấp như A7, A5 thì sở hữu tính năng chống nước trong khi di động tầm trung như J7 Pro lại có camera khẩu độ lên đến f/1.7.

Oppo, trong khi đó, vẫn biết cách tập trung vào một vài model cụ thể, bao phủ tốt trên truyền thông với các tính năng hấp dẫn như camera selfie kép để thu hút nhóm người dùng trẻ và người dùng phổ thông.

Riêng Apple có lợi thế lớn về mặt nhận diện thương hiệu và có doanh số tốt ở sản phẩm cao cấp nhất (iPhone 7 Plus) và thấp nhất (iPhone 5S).

Rất khó để phá vỡ thế ổn định của thị trường hiện tại.

Theo dự đoán, sự ổn định này chưa có dấu hiệu thay đổi trong tương lai gần.

Doanh số cao nhất thị trường nhưng các nhà sản xuất này cũng đang đối mặt với tình trạng ảm đạm chung. Theo tiết lộ của đại diện một nhà sản xuất lớn, thị trường di động Việt Nam đang rất trầm lắng. Họ có nguy cơ cao không đạt chỉ tiêu về doanh số bán ra nếu đà này tiếp diễn.

Bản thân các nhà bán lẻ cũng nhìn nhận rõ vấn đề này. So với trước đây, họ tích cực tung ra các chương trình khuyến mại hơn, tự mình quảng bá sản phẩm nhiều hơn – điều trước đây chủ yếu do nhà sản xuất thực hiện.

Đại diện một nhà bán lẻ lớn từng thừa nhận, thị trường di động giờ đã hết “nạc” và họ đang phải “vạc đến xương”. Thực tế, các nhà bán lẻ lớn đền đã chuẩn bị cho sự đi xuống của thị trường. Thế Giới Di Động khoảng 2 năm nay đã chuyển dần sự tập trung sang mảng điện máy và đang ấp ủ tham vọng trở thành chuỗi bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu Việt Nam.

FPT Shop cũng công bố hợp tác với Vinamilk để đi bán sữa. Một vài nhà bán lẻ cỡ trung và nhỏ cũng xoay nhiều “nghề” khác nhau để bù đắp cho doanh số di động đi xuống.

Theo Zing

Các tin cũ hơn