Anh "nóng" vì tin nhiều công ty muốn cấy microchip vào cơ thể nhân viên

Thứ tư, 14/11/2018, 11:20
Khả năng nhiều công ty Anh cấy ghép chip siêu nhỏ (microchip) vào cơ thể nhân viên để cải thiện an ninh và tính hiệu quả trong công việc đang khiến nhiều công đoàn lo ngại.

Vị trí gắn microchip trên bàn tay người

Theo The Independent, một số hãng pháp lý và tài chính Anh được cho là đang thảo luận với doanh nghiệp chịu trách nhiệm gắn chip vào hàng ngàn người ở vùng Scandinavia, gồm Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và vài nước khác.

Chip được cấy vào cơ thể có kích thước nhỏ như hạt gạo. Thông thường, nó sẽ được tiêm vào dưới vùng da giữa ngón cái và ngón trỏ. Microchip sử dụng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID), cho phép mọi người dùng nó như thẻ chìa khóa, ID và thậm chí vé tàu.

Xu hướng này phổ biến tại Thụy Điển, nơi hơn 4.000 người cấy ghép microchip trong 5 năm qua với sự hỗ trợ của hãng Biohax. Biohax là đối tác của công ty đường sắt quốc gia Thụy Điển. Vì thế, người cấy chip từ hãng này có thể dùng chip thay thế cho vé giấy và thẻ đi tàu bằng nhựa.

Microchip được tiêm vào dưới da

Chia sẻ với Sunday Telegraph, Biohax cho hay họ đang thảo luận với nhiều doanh nghiệp Anh về việc thực hiện công nghệ này trên nhân viên công ty. Nhà sáng lập Biohax Jowan Österlund nói: “Các công ty này có tài liệu nhạy cảm mà họ phải xử lý. Microchip cấy ghép dưới da sẽ cho phép họ áp đặt hạn chế với bất cứ ai”.

Trước thông tin này, Liên đoàn công nghiệp Anh (CBI) lẫn Hội liên minh thương mại (TUC) đều lên tiếng cảnh báo về tác động tới quyền riêng tư của công nghệ “bẻ khóa sinh học”, hay biohacking, gắn chip vào cơ thể người.

“Dù công nghệ đang thay đổi cách chúng ta làm việc, điều này thực sự không thoải mái. Các doanh nghiệp nên tập trung vào ưu tiên tức thời trước mắt hơn là tập trung vào việc thu hút, sử dụng nhân viên của họ”, phát ngôn viên CBI cho biết.

Microchip sau khi vào cơ thể sẽ hoạt động như chứng minh thư, chìa khóa nhà, vé tàu...

Phát ngôn viên TUC cho hay: “Chúng tôi biết người lao động đã có lo ngại rằng một số doanh nghiệp sử dụng công nghệ để kiểm soát và quản lý vi mô, cắt giảm quyền riêng tư của nhân viên. Gắn microchip cho nhân viên sẽ tạo điều kiện cho các nhà tuyển dụng có thêm quyền lực và sự kiểm soát cấp dưới”.

Những người ủng hộ xu hướng “bẻ khóa sinh học” cho rằng microchip cải thiện tính hiệu quả trong nhiều khía cạnh cuộc sống, vì chúng cho phép họ thực hiện nhiều giao dịch không vướng cản trở tại các điểm kiểm soát an ninh lẫn cảng, ga du lịch.

Một trong những người ứng dụng microchip dưới da sớm nhất, ông Zoltan Istvan, chia sẻ với báo Anh cách ông sử dụng chip để vào nhà, và cũng lưu ý một hạn chế của công nghệ này.
“Tôi có một con chip RFID đưa vào tay tôi cách đây ba năm và tôi dùng nó để ra, vào nhà. Điều này thật tuyệt vì tôi không cần đem chìa khóa nữa. Song không may, tiến bộ công nghệ đồng nghĩa với việc con chip của tôi đã lạc hậu so với công nghệ hiện hành và nó sẽ cần một số thủ thuật phẫu thuật để được nâng cấp dù chưa hoạt động được bao lâu”, ông Istvan nói.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn