Người dẫn chương trình AI của Trung Quốc là giả?

Thứ hai, 19/11/2018, 17:23
Tuần qua, người dẫn chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới đến từ Trung Quốc khiến cộng đồng công nghệ xôn xao. MC này là bản robot của người dẫn chương trình thuộc Tân Hoa xã.

MC trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc

Trung Quốc cho hay MC AI có khả năng lên sóng 24 giờ/ngày, “làm việc không mệt mỏi để đem tin tức đến cho bạn”. Công nghệ do Tân Hoa xã và công cụ tìm kiếm Trung Quốc Sogou.com phát triển, được ra mắt tại Hội nghị Internet Thế giới hồi tuần rồi. Song liệu đây có phải là ví dụ thực sự về AI? Biên tập viên chuyên trách trí thông minh nhân tạo Will Knight của MIT Technology Review có phần hoài nghi.

“Việc sử dụng thuật ngữ AI có chút vấn đề trong bối cảnh này, vì bản thân người dẫn chương trình đó không thông minh, không có bất cứ trí tuệ nào. Song họ có dùng một số loại máy học thông minh, vốn là một mảng nhỏ trong lĩnh vực AI, để nắm bắt nét giống nhau của người dẫn chương trình thật và giọng nói của người dẫn chương trình đó”, ông Knight chia sẻ với CNBC.

Lần đầu nhìn thấy MC mà Trung Quốc cho là AI, ông Knight nghĩ đó là hoạt động bắt chước ấn tượng. “Công nghệ cho việc học bên trong để tái tạo khuôn mặt, giọng nói là ý tưởng cơ bản, ý tưởng có tiềm năng lớn”, ông cho hay. Song nếu biên tập viên Ai này tự viết kịch bản riêng, đó sẽ là câu chuyện rất khác. “Nếu người dẫn chương trình của Trung Quốc nhận một loạt bài báo, gọi điện thoại và sản xuất lại nội dung tin, điều đó sẽ rất tuyệt vời. Song thực tế nó nằm ngoài những gì máy móc có khả năng làm”, ông Knight nhận định.

Như bất kỳ công nghệ mới nào, thuật ngữ có thể ăn sâu vào nhận thức công chúng trước khi nó được hiểu đúng. “Chúng ta luôn cần thực sự cẩn thận khi dùng từ AI. Trong bối cảnh này, bạn không muốn nói rằng người dẫn chương trình này thực sự biểu diễn bất cứ trí tuệ nào, vì nó không làm thế. Nó chỉ như một con rối kỹ thuật số rất tinh vi”, ông Knight nói.

Cận cảnh MC trí tuệ nhân tạo mà Trung Quốc vừa công bố

AI có thể tạo ra người dẫn chương trình và giọng nói của người dẫn chương trình này, song bản chất MC không có khả năng suy nghĩ. Ali Shafti, nhà nghiên cứu về robot và AI tại Imperial College London cho biết: “Điều thực sự tạo ra hình ảnh đó, chuyển động khẩu hình miệng đó và giọng nói đó là việc sử dụng thuật toán có liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Song nói rằng người dẫn chương trình này là AI thì hơi quá”.

Ông Shafti cho rằng định nghĩa AI không đơn giản: “Bản thân thuật ngữ này thường được định nghĩa là thiết bị hay thuật toán không phải con người, có khả năng thực hiện hành vi, hoạt động chỉ khả thi nhờ trí tuệ con người, hoặc thậm chí không khả thi trong phạm vi khả năng của con người, tức vượt trên trí tuệ con người”.

“Nhiều người có lẽ sẽ hiểu lầm, cho rằng bản thân người dẫn chương trình mà Trung Quốc tung ra thông minh, giống như người thật, có thể phản ứng với các tình huống với hành động thông minh. Song đây không phải sự thật. Nó có thể đọc kịch bản. Nó có thể trông thuyết phục, làm mọi thứ một cách thuyết phục như AI nhưng nó không phải”.

Sếp chiến lược máy học và AI của Apple, ông John Giannandrea, thì đề cập đến sự cường điệu bao trùm xung quanh AI, trong đó có dự báo về tương lai mối đe dọa từ công nghệ này. Ông cho rằng những lời phỏng đoán không có ích: “Tôi phản đối sự cường điệu và một số ý kiến của vài người”.

Alpha Go do hãng Anh DeepMind (công ty sau này được Google thâu tóm) phát triển đấu trí với kỳ thủ cờ vây Hàn Quốc Lee Sedol. Alpha Go thắng ông Lee sau năm ván cờ hồi năm 2016

Hồi tháng 9.2017, khi còn đảm nhận cùng công việc tại Google, ông Giannandrea cho hay mình hào hứng về khả năng phân tích ngôn ngữ viết của máy tính. “Ngày nay, máy tính chưa thể 'đọc' theo kiểu đọc, hiểu và tóm tắt văn bản. Vì thế tôi cho rằng đây là lĩnh vực mà mình rất hứng thú”.

Ông Knight thì chia sẻ rằng nỗ lực giúp máy tính đọc, hiểu còn nhiều sai lầm. "Công việc như là viết bài báo bằng ngôn ngữ là một trong những hoạt động khó nhất mà bạn muốn máy tính làm. Ngôn ngữ quá mạnh mẽ và linh hoạt, vì thế máy tính có thể dễ dàng rơi vào sai lầm, hệt như những gì mà bạn thấy chatbot và các robot tương tự mắc phải”, ông Knight nói.

Chuyên gia này chỉ ra rằng Alpha Go của Google chính là ví dụ ấn tượng về AI. Nó là máy tính đầu tiên đánh bại kỳ thủ người thật trong môn cờ vây, môn cờ cổ xưa từ Trung Quốc. Song ngay cả Alpha Go cũng có hạn chế. “Nó làm được nhiều, nhưng vẫn còn bị hạn chế. Như nhiều chuyên gia khác đã nói, nó không thể chơi được trò khác. Điểm mà con người rất giỏi là chúng ta có thể học một trò chơi và chuyển những gì mình học được sang thứ khác một cách hiệu quả”, ông Knight chia sẻ.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Sogou vẫn khẳng định với CNBC: “Công nghệ người dẫn chương trình AI kết hợp nhiều tiến bộ mới nhất trong khả năng phát hiện hình ảnh và dự đoán, cũng như tổng hợp giọng nói để tạo ra MC ảo thực sự, xuất hiện và phát ngôn như người thật. Điều này đòi hỏi thuật toán của chúng tôi phải tạo ra hình ảnh, âm thanh sống động cho bất cứ đầu vào văn bản nào, dựa trên khả năng tiên đoán tiên tiến và việc này cho ra công nghệ trí thông minh có thể tạo được chương trình phát sóng trực tiếp”.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn