|
Ảnh: Reuters |
Công nghệ mạng di động thứ 5 hay 5G cho phép người dùng tải phim xuống chỉ trong vài giây, có thể hỗ trợ cơ sở hạ tầng như thành phố thông minh, vốn đòi hỏi nhiều dữ liệu. Mỹ và Trung Quốc đều đang chạy đua để trở thành nhà lãnh đạo trong mảng này.
Song Huawei, nhà sản xuất thiết bị mạng lớn nhất thế giới, bị cấm ở Mỹ từ năm 2012. Ông Eric Xu, một trong các chủ tịch luân phiên tại Huawei, vừa nói với kênh CNBC rằng động thái từ Mỹ có thể làm tổn hại tham vọng của chính nước này trên mặt trận công nghệ kế tiếp.
“Huawei, với tư cách là hãng đi đầu công nghệ 5G, chúng tôi không có cơ hội phục vụ người tiêu dùng Mỹ với dịch vụ và giải pháp 5G. Thị trường Mỹ là thị trường không có sự cạnh tranh đầy đủ nếu vẫn chặn các hãng hàng đầu tham gia. Hiện tôi không chắc liệu họ có thể thực sự đạt được mục tiêu trở thành quốc gia số một trong công nghệ 5G hay không”, ông Xu nói.
“Nếu không có sự tham gia của các hãng đi đầu công nghệ 5G với sự cạnh tranh đầy đủ, các hãng viễn thông phải chi nhiều hơn để mua thiết bị 5G. Người tiêu dùng sẽ phải chi nhiều hơn để nhận dịch vụ 5G có chất lượng không tốt như một số thị trường khác có các hãng hàng đầu tham gia”, ông Xu nói thêm.
Năm 2012, Mỹ cấm Huawei và ZTE bán thiết bị mạng ở nước này, cho rằng hai hãng đặt ra nguy cơ an ninh quốc gia. Washington cho rằng thiết bị của doanh nghiệp Trung Quốc có thể tạo cửa hậu cho chính phủ Bắc Kinh bước vào mạng viễn thông Mỹ. Đến nay, ZTE và Huawei vẫn phản đối cáo buộc này.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng tiến, chính phủ Mỹ cố gắng gây áp lực cao hơn. Tuần trước, The Wall Street Journal đưa tin Washington cố gắng thuyết phục nhiều hãng di động ở các nước đồng minh tránh sử dụng thiết bị Huawei. Ông Xu cho rằng động thái này xuất phát từ nguyên nhân chính trị nhiều hơn là lo ngại an ninh thực sự.
“Tôi có một câu hỏi. Chính phủ Mỹ với tư cách thẩm quyền quốc gia tại sao nhắm đến Huawei với tư cách doanh nghiệp kinh doanh? Có phải vì chúng tôi quá giỏi 5G hay vì những lý do nào đó mà tôi chưa rõ hay không? Nói rằng 5G có thể đem đến vấn đề an ninh mạng, tôi cho rằng những lập luận này dựa trên động cơ chính trị, không dựa trên sự thật. Tất cả các nghi ngờ này đều không có bất cứ thực tế nào chứng minh”, sếp Huawei đặt câu hỏi.
Huawei cũng bị chặn bán phần cứng 5G ở Úc, còn giới chức New Zealand thì từ chối đề xuất sử dụng thiết bị Huawei của một trong các hãng viễn thông nước nhà. Dù vướng khó khăn, ông Xu cho hay Huawei sẽ không tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính phủ để giải quyết rắc rối.
“Chúng tôi dựa vào chính mình, vào các sản phẩm và dịch vụ tốt của chúng tôi. Chúng tôi vẫn ổn nếu một số nước không chọn chúng tôi, nhưng tôi tin vào sự khôn ngoan của các chính phủ khác nhau trên thế giới. Tôi tin rằng họ chắc chắn biết mình muốn hay không muốn gì”, ông Xu cho biết.
Chủ tịch luân phiên của Huawei chỉ ra sự hỗ trợ mà doanh nghiệp ông nhận được từ ngành viễn thông Anh. Tuần trước, kiến trúc sư mạng viễn thông BT, ông Neil McRae, cho hay Huawei là “nhà cung ứng 5G thực sự duy nhất” và các hãng khác nên đuổi kịp công ty này.
Nokia, Ericsson và Samsung đang cạnh tranh với Huawei trên mặt trận mạng di động. Tuần qua, Huawei ký 22 hợp đồng thương mại 5G trên toàn cầu. Dù được dự báo nhiều là sẽ trở thành tương lai mạng lưới dữ liệu, hiện chỉ có vài nhà khai thác viễn thông thế giới công bố kế hoạch triển khai 5G riêng.
Theo Thanh Niên