|
Đó là lý do khiến Trung Quốc vừa lên tiếng kêu gọi tất cả các quốc gia cùng chung tay phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo, theo Bloomberg.
Nhiều lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Phó thủ tướng Lưu Hạc, vừa cùng tỉ phú Jack Ma và các giám đốc điều hành Google tham dự Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới tổ chức ở Thượng Hải, nhằm hậu thuẫn phương pháp tiếp cận xuyên biên giới cho nghiên cứu AI. Lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi đầu tư nước ngoài, cam kết thúc đẩy “môi trường tư duy tự do” để hỗ trợ phát triển công nghệ.
Những gì ông Lưu Hạc vừa nói hôm nay khác hẳn với kế hoạch mạnh mẽ, tích cực mà Đại lục đề ra năm ngoái. Bắc Kinh đặt mục tiêu đưa đất nước đi đầu thế giới về AI vào năm 2030, một phần nhờ hỗ trợ từ chính phủ. Dù ông Lưu không bàn chi tiết, giọng điệu của ông cũng cho thấy Đại lục dùng cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn sau khi hãng ZTE bị Mỹ phạt hơn 1 tỉ USD, và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang.
“Chúng tôi hy vọng rằng tất cả quốc gia, tất cả thành viên của ngôi làng toàn cầu, sẽ tham gia và hỗ trợ lẫn nhau để chúng tôi có thể phản ứng với tác động của công nghệ mới. AI đại diện cho kỷ nguyên mới. Sự hợp tác xuyên quốc gia và hợp tác có kỷ luật là không thể tránh”, ông Lưu nói.
Lời ông Lưu cũng tương tự như những gì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viết trong thư gửi đến hội nghị, rằng Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ lợi ích AI với các nước khác.
Hội nghị được nhiều hãng Mỹ tận dụng để thể hiện sự nhiệt thành của họ trong việc phát triển AI ở Trung Quốc. Microsoft Research Asia và Amazon Web Services đều công bố phòng thí nghiệm mới ở Thượng Hải, trong khi Google thì giới thiệu hoạt động AI của hãng tại Trung Quốc. Google, doanh nghiệp con của Alphabet, là nhà tài trợ chính của sự kiện.
CEO Google Sundar Pichai trước đó được mời đến dự hội nghị nhưng ông từ chối. Kế hoạch tung công cụ tìm kiếm phù hợp với luật kiểm duyệt tại Trung Quốc của Google vấp phải phản ứng dữ dội từ các nhà lập pháp Mỹ.
Tại hội nghị, Chủ tịch Alibaba Group Jack Ma cho hay hệ thống, quy tắc và lối nghĩ của Trung Quốc nên được cải cách, trong số này có cách các nhà quản lý và các ngành công nghiệp thích nghi với công nghệ mới. “Chính phủ không nên quan tâm liệu ngành công nghiệp taxi có bị thay thế hay không, mà nên xem xét liệu an toàn đường bộ có tốt chưa, và người dân có chết vì tai nạn giao thông hay không. Việc một ngành công nghiệp bị thay thế hay không là do thị trường xác định”, ông Ma nói.
Theo Thanh Niên