|
Ảnh: Mareeg |
Theo CNBC, WEF nhận định trong báo cáo “Tương lai việc làm 2018” rằng sự phát triển của công nghệ tự động hóa và trí thông minh nhân tạo có thể khiến 75 triệu việc làm mất đi. Tuy nhiên, 133 triệu việc làm mới sẽ xuất hiện, vì giới doanh nghiệp phân chia lại lao động giữa người và máy móc. Cuối cùng, 58 triệu việc làm mới cho con người sẽ ra đời vào năm 2022.
Dù vậy, việc làm dành cho con người có sự “thay đổi đáng kể” về vị trí, chất lượng và dạng thức. WEF cho rằng việc làm toàn thời gian, làm vĩnh viễn có thể giảm. Một số công ty có thể chọn sử dụng lao động tạm thời, người làm nghề tự do (freelancer) hoặc những người làm theo hợp đồng. Một số khác thì tự động hóa nhiều tác vụ công việc. Bộ kỹ năng mới cho người lao động sẽ cần thiết vì lao động trong tương lai chia đều giữa máy móc, con người tiếp tục phát triển, báo cáo nhận định.
WEF khảo sát nhiều doanh nghiệp và kết luận rằng, máy móc được dự báo thực hiện khoảng 42% tất cả tác vụ tại công sở vào năm 2022. Hiện máy móc chỉ đảm nhận 29% số tác vụ. Con người được dự báo làm trung bình 58% số giờ thực hiện tác vụ vào năm 2022, giảm so với hiện thời là 71%.
Nhân viên điều khiển cánh tay robot Nachi Robotic Systems tại Triển lãm Robot Quốc tế diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) |
AI và tác động của công nghệ này lên việc làm đang trở thành chủ đề bàn luận nóng. Nhiều chuyên gia dự báo máy móc có thể thay thế hàng triệu việc làm trong thập niên tới. Dù vậy, sự khôn ngoan và tính toán của nhiều sếp doanh nghiệp có thể giúp AI không xóa bỏ mà tạo thêm việc làm cho con người.
Phân tích của hãng kiểm toán toàn cầu PwC cũng đưa ra dự báo tương tự. PwC cho biết robot và nhiều hình thức khác của “công nghệ tự động” có thể tăng năng suất, tạo sản phẩm và dịch vụ tốt hơn. Trong khi một số việc làm sẽ “bị thay đổi về mặt bản chất”, công việc mới cũng xuất hiện và hiệu quả dài hạn sẽ tích cực với nền kinh tế nói chung.
Báo cáo của WEF dựa trên khảo sát các nhà quản lý nguồn nhân lực, giám đốc chiến lược và giám đốc điều hành của 300 doanh nghiệp toàn cầu, ở nhiều ngành khác nhau. Những người trả lời đại diện cho hơn 15 triệu lao động, 20 nền kinh tế phát triển và nền kinh tế mới nổi vốn đại diện cho khoảng 70% nền kinh tế thế giới.
Nhìn chung, triển vọng việc làm vẫn tích cực dù gần 1/2 số doanh nghiệp kỳ vọng lực lượng lao động toàn thời gian của họ sẽ giảm trong vài năm tới. Việc này xảy ra là vì các hãng giờ hiểu rõ hơn về cách công nghệ tạo thêm cơ hội kinh doanh mới cho công ty. Dù vậy, giới doanh nghiệp vẫn phải đầu tư vào nhân viên để duy trì tính cạnh tranh.
Theo Thanh Niên