Đại diện của Facebook từng giải thích, một trong những nguyên nhân khiến họ tắt tính năng đếm Like trên các bài viết của người dùng là để giảm tình trạng bắt nạt trên mạng xã hội.
Tuy vậy, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc Facebook muốn người dùng nhận thấy tài khoản của họ không nhận được nhiều tương tác, từ đó tăng số lượng bài viết trên mạng xã hội. Đăng nhiều bài hơn đồng nghĩa người dùng sẽ dành nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội và xem nhiều quảng cáo trên đó hơn. Thông tin này được ba cựu nhân viên của Facebook tiết lộ với CNBC.
Nơi đầu tiên Facebook áp dụng để kiểm tra giả thuyết của mình là Instagram. Instagram hiện được coi là một phần quan trọng trong tương lai phát triển của Facebook. Mạng xã hội này rất phổ biến với giới trẻ và có hơn một tỷ người dùng mỗi tháng. Trong đó, khoảng 500 triệu người dùng đăng video lên mục Stories mỗi ngày. Stories được Instagram triển khai từ năm 2016 nhằm cạnh tranh với tính năng tương tự trên Snapchat.
Tuy vậy, đại diện của Instagram từ chối giải thích nguyên nhân họ tắt tính năng đếm lượt Like.
Instagram thử nghiệm bỏ hiển thị lượt Like. (Ảnh: TechCrunch). |
Bớt áp lực, tăng bài viết
Khi Facebook tuyên bố thử nghiệm ẩn lượt Like trong hội thảo dành cho các nhà phát triển hồi tháng 4, người đứng đầu Instagram là Adam Mosseri nói: "Chúng tôi muốn người dùng bớt lo lắng việc bài viết của họ trên Instagram không nhận được nhiều Like và dành thời gian cho việc kết nối với những người họ quan tâm". Ông Mosserie cũng đưa thêm một lý do khác nhằm là "dẫn đầu cuộc chiến chống lại tình trạng bắt nạt" trên mạng xã hội.
Trong các sự kiện công nghệ sau đó, đại diện Facebook liên tục nhắc đi nhắc lại những lý do này, nhưng họ lại giấu đi động cơ thực sự.
Các nguồn tin cho biết, nội dung trên Instagram đang trở nên bão hoà và trau chuốt hơn bởi sự tham gia của giới influencer (người tạo ảnh hưởng), những người được các thương hiệu, nhãn hàng chi tiền quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Nhiều người dùng bắt đầu có động thái "xoá" hoặc "lưu trữ" bài viết cũ, đặc biệt là những nội dung không được "like" nhiều.
Nhóm nghiên cứu dịch vụ dữ liệu và tăng trưởng của Facebook đã đưa ra giải thuyết rằng nếu ẩn lượt Like, người dùng sẽ bớt chăm chú vào việc ngồi đếm lượt tương tác, chọn "giờ vàng" đăng bài... mà thay vào đó là tập trung hơn cho việc sáng tạo nội dung.
Thực tế, dự án ẩn Like đã được Instagram quan tâm trước khi Adam Mosseri nắm quyền từ tháng 10/2018. Đến khi Facebook thâu tóm toàn bộ Instagram, Mosseri mới thực sự ưu tiên cho nó.
Tuy người xem không thấy được lượt Like, người đăng bài vẫn nhận được thông báo khi có tương tác. Những thông báo này là chất xúc tác để họ đăng nhiều nội dung hơn. Bên cạnh đó, người dùng Instagram có xu hướng bắt chước các hoạt động của gia đình và bạn bè thân quen. Vì vậy, việc khuyến khích thành viên có nội dung của riêng mình một cách thường xuyên cũng sẽ tạo ra hiệu ứng lan toả. "Nó sẽ tăng sự tương tác của người dùng trên Instagram hơn, like ít đi và đăng nội dung nhiều hơn", Mosseri từng chia sẻ.
Các chuyên gia cũng đồng tình với giả thuyết của Facebook. Dylan Farella, Giám đốc mảng mạng xã hội tại công ty marketing Talent Resources, nhận định ẩn Like là động thái tích cực, giảm gánh nặng với người nổi tiếng hoặc các influencer chuyên nghiệp.
Thông thường, người dùng sẽ phân chia thời gian khi chia sẻ các nội dung lên mạng xã hội để tối ưu hóa số lượt Like của từng post. "Giờ sẽ chẳng có gì khiến họ nản lòng khi đăng thêm một vài bài viết trên mạng xã hội cả", Farella nói.
Dù việc ẩn Like có tác động tích cực nhất định, nó vẫn có khả năng gây tổn hại đối với giới influencer. Hiện những người nổi tiếng được lợi từ lượt Like của người dùng khác. Những người dùng bình thường làm như vậy bởi họ thấy bạn bè của mình cũng đã "like" bài viết, nội dung từ người nổi tiếng từ trước hoặc thấy có lượng tương tác cao sẵn thì tham gia bấm cùng ủng hộ. Việc loại bỏ có thể khiến các influencer không thu được nhiều tiền từ việc quảng cáo sản phẩm từ khách hàng nhiều như trước.
Facebook được cho là không có lựa chọn khác để thử nghiệm dù biết Instagram không muốn mất đi các influencer, trong khi các đối thủ như Snapchat, TikTok hay Twitter chưa phát triển đủ tới mức để phải lo về các vấn đề như hãng đang trăn trở.
Theo VNE