Quảng cáo trong ứng dụng làm Android hao pin hơn 70%
Thứ ba, 20/03/2012, 14:54
Hao pin là một nhược điểm chung của các smartphone ngày nay. Ngoài các lý do xưa cũ như màn hình to, phần cứng mạnh ra thì các nhà nghiên cứu từ trường đại học Purdue University và hãng Microsoft vừa phát hiện ra rằng 75% số trường hợp hao pin trên Android có liên quan đến ứng dụng là do các quảng cáo trong game gây ra.
Android có rất nhiều phần mềm và game miễn phí, hầu hết tất cả chúng đều có chèn quảng cáo và sẽ liên tục hiện ra trong quá trình chúng ta sử dụng. Những quảng cáo đó liên tục kết nối Internet và truyền tải thông tin khiến cho các máy Android trở nên rất hao pin.
Để kiểm tra, các nhà nghiên cứu trên đã phát triển một ứng dụng đặc biệt tên là EProf có chức năng theo dõi và phân tích lượng pin tiêu thụ của từng ứng dụng riêng lẻ có trong một máy Android. Máy được thử nghiệm là chiếc HTC Passion (Nexus One) chạy trên Android 2.3 và các phần mềm thử nghiệm gồm có Angry Birds, FreeChess và ứng dụng New York Times.
Trong game Angry Birds, anh Abhinav Pathak, trưởng nhóm nghiên cứu, đã tiến hành ghi nhận lượng pin tiêu thụ trong 1 màn chơi của game và thấy, chỉ có 30% lượng pin tiêu thụ là dành cho game (hình ảnh, đồ họa, âm thanh...) còn 70% trên tổng số lượng pin tiêu hao là do các tiến trình upload thông tin cá nhân, địa điểm, tải xuống và hiển thị các quảng cáo trong game. Anh Pathak cho biết các quảng cáo sẽ xuất hiện liên tục trong mỗi màn chơi và mỗi lúc như vậy nó đều làm tiêu hao một lượng pin tương tự.
Còn đối với game FreeChess, nhóm nghiên cứu cũng thu được kết quả tương tự. Có đến khoảng 70% lượng pin tiêu hao là có liên quan đến các tiến trình quảng cáo. Và không chỉ những ứng dụng có chèn quảng cáo mới làm máy hao pin, ngay cả trình duyệt mặc định của Android và phần mềm đọc tin tức New York Times cũng có khoảng 15% hao pin là do các tác vụ theo dõi người dùng.
Anh Pathak giải thích rằng mục đích của nhóm không phải là tìm xem ứng dụng nào hay quảng cáo nào gây hao pin, mà chủ yếu là để phát triển phần mềm giúp các lập trình viên và các hãng quảng cáo có thể tối ưu hóa phần mềm của họ. Quảng cáo trong các ứng dụng của Android không phải tốn nhiều pin như vậy, chỉ tại vì chúng được lập trình quá dở mà thôi. Nhóm nghiên cứu cho biết họ đang có kế hoạch phát hành phần mềm phân tích pin EProf nói trên theo dạng mã nguồn mở để mọi người có thể tải về sử dụng. Hiện nhóm này đang làm việc cùng với Microsoft để đưa EProf vào hệ điều hành Windows Phone nhằm nâng cảo khả năng nghiên cứu của nó.