Khi Google tuyên bố mua Motorola Mobility mùa hè năm ngoái với giá 12 tỉ USD, công ty phát biểu với báo giới, cổ đông và các đối tác động lực chính là bằng sáng chế của Motorola. Đó là điều không phải nghi ngờ khi danh mục bằng sáng chế đồ sộ của Motorola có thể giúp Google chống lại các vụ kiện dồn dập từ phía đối thủ.
Google cũng nói rằng sẽ không dành ưu đãi nào cho Motorola, và rằng hãng phần cứng vẫn phải tranh đấu như các hãng sản xuất điện thoại chạy hệ điều hành Android khác như Samsung hay HTC. Google còn hứa hẹn sẽ xây dựng bức tường ngăn cách giữa việc phát triển phần cứng của Motorola với việc phát triển hệ điều hành của Google.
Tuy nhiên, sự thực của thương vụ này không khiêm nhường tới thế. Theo lời một người tóm lược kế hoạch của Google cho vụ sáp nhập: dù Google ban đầu chỉ muốn bằng sáng chế của Motorola, gã khổng lồ tìm kiếm nhận ra rằng mình muốn đi theo con đường của Apple khi song song phát triển smartphone và máy tính bảng bên cạnh phát triển phần mềm. Nguồn tin thứ hai – cũng tóm lược kế hoạch của Google, theo trang BusinessInsider, đã xác nhận điều này.
Google muốn thiết kế phần cứng smartphone, hệ điều hành và bán sản phẩm của riêng mình. Tham vọng của Google không phải là Nexus One – mẫu điện thoại do bên thứ 3 sản xuất song Google giúp đỡ thiết kế từ ngày đầu tiên. Google muốn làm nhiều hơn thế. Công ty muốn có công việc kinh doanh “iPhone” như Apple.
Tuy nhiên, liệu Google có thể theo đuổi kế hoạch này ngay trước mũi các đối tác hay không mới là vấn đề đáng nói. Các công ty sản xuất thứ 3 đang chế tạo điện thoại Android – Samsung, HTC... – dần nhận ra ý định của Google và vô cùng giận dữ.
Vị lãnh đạo từng gặp gỡ với một trong số các hãng này cho biết mỗi cuộc nói chuyện trong cuộc họp đều có cùng kết cục: giận dữ và bất mãn với Google. Rất có thể, họ sẽ tập hợp lại và yêu cầu Google bán lại mảng di động của Motorola.
Một mảng kinh doanh lớn khác của Motorola Mobility là sản xuất set-top box. Sau khi mua lại Motorola vì bằng sáng chế, dự định của Google còn liên quan tới việc Google (tiếp tục) nhận ra mình muốn duy trì kinh doanh set-top box sau khi sáp nhập. Google TV ì ạch, trong khi Google lại muốn chiến thắng trong phòng khách của mỗi gia đình.
Các quan chức của vài nhà cung cấp hệ thống cáp hàng đầu – gọi tắt là MSO – đã “đánh hơi” được điều này và tập hợp lại, đe dọa chiến tranh với Google nếu không đồng ý bán mảng kinh doanh set-top box sớm nhất có thể. Sự đe dọa có hiệu lực, buộc Google thay đổi kế hoạch.
Các nhà sản xuất smartphone Android cũng có khả năng đi theo chiến lược này. Tuy nhiên, họ vẫn chưa bắt đầu “nói chuyện”, và thương vụ Google – Motorola còn cần Trung Quốc phê duyệt để kết thúc. Người trong ngành tin rằng các hãng sản xuất điện thoại sẽ chưa hình thành liên minh cho tới khi Google thực sự “động thủ”. Dù vậy, một số hãng điện thoại châu Á đã bắt đầu phát triển thiết bị cho Windows 8 của Microsoft.