Hàng tồn lớn, DN “nhờ cậy” xuất khẩu online

Thứ ba, 17/04/2012, 00:23
Trước thực tế hàng tồn kho lớn, thị trường cạnh tranh gay gắt…, từ cuối năm 2011 đến nay, các DN trong nước ngày càng đẩy mạnh tìm cơ hội kinh doanh online thông qua các website, sàn thương mại điện tử (TMĐT).

>>Bộ Công Thương cảnh báo sàn thương mại điện tử lừa đảo
>>Thị trường Thương mại điện tử VN 2012 sẽ có biến động lớn?

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) trong quý I/2012, chỉ số tồn kho tại VN đứng ở mức báo động. Cụ thể, nhiều ngành kinh tế có chỉ số tồn kho tăng khá cao so với 2011 như ngành chế biến và bảo quản rau quả tăng 87,2%; sản xuất sắt, thép tăng 59,1%; sản phẩm thuốc lá, thuốc lào tăng 58%; xi măng, vôi, vữa tăng 55%; xe có động cơ tăng 38,7%…“Thực tế này là nguyên nhân gây ra tình trạng đình đốn trong sản xuất, khiến cho nhiều DN lâm cảnh khó khăn, thậm chí bị loại ra khỏi thị trường”, đại diện Bộ Công thương nhận định.


Đứng trước bức tranh kinh tế ảm đạm trên, đánh giá của các chuyên gia kinh tế cũng cho thấy hiện nay các DN xuất khẩu VN đang phải “đau đầu” tìm kiếm giải pháp mở rộng thị trường. Bên cạnh những kênh truyền thống như hội chợ, triển lãm, qua bên thứ ba hay các mối quan hệ quen biết... thì việc tham gia các sàn TMĐT đang được xem là kênh giao thương khá hiệu quả.

Khảo sát của Bộ Công Thương năm 2011 cho thấy, các DN xuất khẩu VN khá nhạy bén trong việc ứng dụng TMĐT khi tích cực tham gia các website mua bán hàng hóa với mức chi phí đầu tư chỉ chiếm khoảng 5% nhưng mang lại mức doanh thu trung bình lên đến 33% trong tổng doanh thu.

Trao đổi với BĐVN tại sự kiện chào đón thành viên VN thứ 200.000 của Alibaba.com ngày 14/4, nhận định về mức độ quan tâm của DN “nội” đối với sàn TMĐT, ông Trần Xuân Thủy, GĐ Quốc gia của Alibaba.com Việt Nam cho rằng số lượng DN ở mọi quy mô tham gia sàn TMĐT ngày càng cao. Như tại Alibaba.com, tính tới cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng hàng năm về số lượng thành viên VN vào khoảng 27% và trung bình mỗi tháng có hơn 3.500 thành viên mới tham gia. Trong 6 tháng trở lại đây, trung bình mỗi tháng các DN Việt cập nhật thêm 16.863 sản phẩm mới và nhận được 14.150 yêu cầu mua từ các nhà nhập khẩu.

Ông Trần Đình Toản, Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB cũng nhận định, nếu như Alibaba.com phải mất 10 năm (từ 1999 đến 2009) để đạt được mốc 100.000 thành viên Việt Nam thì chỉ chưa đầy 3 năm qua đã thu hút thêm 100.000 thành viên mới để cán mốc 200.000 vào tháng 4/2012.

Kinh doanh trực tuyến đang được coi là mảnh đất màu mỡ tại VN, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay khi vừa đáp ứng được mục tiêu tối ưu hóa quảng bá, vừa giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, ông Trần Xuân Thủy khuyến cáo các DN xuất khẩu online cần lưu ý: Đặt trong thời điểm khó khăn này, người mua hàng trên khắp thế giới ngày càng “kỹ tính” trong vấn đề giá cả, chất lượng, thời gian giao hàng, tính dài hạn và khả năng cung ứng hàng hóa... Bởi thế, để đáp ứng được yêu cầu của các nhà nhập khẩu trên thế giới trong lâu dài, DN trong nước cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu về đặc thù đối tác tại từng quốc gia. Ngoài việc đăng ký tham gia sàn TMĐT, các DN phải liên tục hoàn thiện, đẩy mạnh năng lực cung ứng sản phẩm.

Theo ictnews

Các tin cũ hơn