Theo BBC, Saroo sinh năm 1981 tại một gia đình nghèo ở Ấn Độ, từ nhỏ đã phải cùng người anh trai đi quét dọn rác trên xe lửa.
|
Vào một đêm năm 1986, sau khi quét dọn xong toa tàu cùng anh trai, Saroo mệt quá nên ngủ thiếp đi trên băng ghế tại một nhà ga xe lửa suốt 14 giờ.
Khi tỉnh dậy Saroo không còn thấy anh trai mình nữa. “Tôi cứ nghĩ là anh trai sẽ quay lại đón tôi nào ngờ chẳng có ai đến đón tôi”.
Thế là, câu bé Saroo (lúc đó mới 5 tuổi), bước lên xe lửa sắp khởi hành ở nhà ga với hy vọng tìm được anh mình.
Chuyến xe lửa ấy đã đưa Saroo đến Calcuta, thành phố lớn thứ ba Ấn Độ với nhiều khu nhà ổ chuột.
Đến Calcuta, vẫn không tìm thấy anh trai, Saroo vô vọng, bắt đầu cuộc sống lang thang tại các nhà ga xe lửa, lúc đói lòng cậu bé phải đi ăn xin.
“Lúc đó, tôi rất sợ hãi, tôi còn quá bé và thậm chí không biết mình đang ở đâu, từ đâu đến. Tôi hỏi hết người này đến người khác mong tìm được mẹ và anh trai nhưng ai cũng lắc đầu”, Saroo kể lại.
Đến năm 1987, Saroo được một gia đình Úc nhận làm con nuôi và theo cha mẹ nuôi về Tasmania (Úc) sinh sống.
Mặc dù có một cuộc sống rất hạnh phúc và đầy đủ với cha mẹ nuôi, nhưng Saroo không bao giờ từ bỏ ý định tìm lại mẹ ruột và anh trai của mình.
Tuy nhiên, lúc bị lạc mất anh trai, Saroo mới 5 tuổi nên anh không tài nào nhớ nổi tên thị trấn nơi gia đình mình sinh sống.
Mãi đến năm 2011, anh dùng ứng dụng Google Map để tìm lại gia đình mình.
“Tôi làm phép tính lấy thời gian tôi ngủ trên xe lửa là 14 tiếng nhân với tốc độ trung bình các xe lửa Ấn Độ ra được quãng đường khoảng 1.200 km. Từ đó, tôi dò tìm vị trí trên bản độ trong ứng dụng Google Map”, Saroo cho hay.
Với quãng đường khoảng 1.200 km, Saroo ước tính mình đã ngồi trên chuyến xe lửa đi từ Khandwa đến Calcuta.
Thế là, Saroo bắt đầu chuyến hành trình đến Ấn Độ tìm gia đình vào cuối tháng 3.2012.
Nhờ vào tấm ảnh chụp lúc nhỏ và những ký ức thời niên thiếu, anh tìm được mẹ ruột của mình ở Ganesh Tala, gần Khandwa, gần đúng với ước tính của anh.
Saroo cho biết: “Lúc đầu tôi không thể nhận ra mẹ mình vì trong ký ức tôi chỉ có hình ảnh của mẹ lúc bà mới 34 tuổi còn giờ đây bà đã già rồi. Nhưng nhìn kỹ lại đó chính là gương mặt của mẹ tôi”.
Hai mẹ con Saroo đoàn tụ trong nước mắt, còn người anh trai năm xưa đã qua đời.
Hiện các nhà xuất bản và nhà làm phim đang rất hứng thú với câu chuyện tìm lại mẹ sau 25 năm lưu lạc bằng Google Map.
Theo Thanhnien