Trả lời phỏng vấn báo BĐVN, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc QTSC kiêm Chủ tịch SPA cho biết, hợp tác để phát triển là xu hướng của các công viên phần mềm.
Những biến động trên thế giới vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành CNTT nói chung và lĩnh vực gia công phần mềm nói riêng. Vậy các doanh nghiệp (DN) gia công phần mềm trong QTSC bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Nhìn lại 6 tháng hoạt động của các DN trong QTSC, tôi rất vui mừng khi biết được rằng, hầu như các đơn đặt hàng không chỉ từ thị trường Nhật vẫn triển khai đều đặn như các năm trước, các thị trường Mỹ, châu Âu đều có những tín hiệu khả quan. Vì thế, có thể nói việc gia công phần mềm cho thị trường nước ngoài của các DN tại QTSC đang trong giai đoạn phục hồi và khởi sắc hơn năm 2010. Riêng đối với QTSC, từ khi Tập đoàn HP chính thức triển khai Trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm toàn cầu vào đầu năm 2011 đến nay đã có những tác động tích cực. Trên cơ sở sự lựa chọn của HP, ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia, các đoàn khách nước ngoài đến thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư tại QTSC.
Để vượt qua được những thách thức trước mắt, theo ông, các DN phần mềm Việt Nam cần làm gì?
Theo tôi, các DN phần mềm Việt Nam hiện nay cần chủ động trong việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là nên mở rộng dần các địa chỉ gia công. Ngoài những thị trường truyền thống như Hoa kỳ, Nhật Bản thì khu vực Tây Âu cũng cần được chú trọng. Mặt khác, các DN cũng cần tính toán thêm đến chiến lược phát triển sang hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để từ đó, thông qua kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc cho đối tác nước ngoài chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm phần mềm mang thương hiệu Việt, không chỉ phục vụ thị trường nước ngoài mà còn cho cả thị trường trong nước.
Riêng với QTSC, chúng tôi đang rất tích cực làm cầu nối cho DN thông qua những đoàn khách nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác. Đặc biệt là việc liên tục tổ chức các chương trình giao lưu hợp tác kinh doanh giữa các DN nước ngoài với các DN trong QTSC. Vào ngày 14/7, chúng tôi sẽ tổ chức một buổi giao lưu hợp tác kinh doanh với 52 DN CNTT tham gia (26 nước ngoài và 26 Việt Nam). Có thể nói đây là lần có số DN tham gia đông nhất từ trước tới nay.
Mặt khác, QTSC đang triển khai hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu mới nhằm giúp cho các DN đang hoạt động tại QTSC có thể sử dụng thương hiệu QTSC như là một công cụ bảo chứng về chất lượng và tính chuyên nghiệp của DN khi tiếp cận với thị trường nước ngoài.
Những vấn đề, giải pháp gì sẽ được đưa ra tại Diễn đàn SPA 2011 lần này?
Trong diễn đàn lần này, chúng tôi muốn thảo luận các xu hướng phát triển CVPM trên thế giới và đưa ra những dự báo trong 10 năm tới. Từ đó chúng ta có thể rút ra mô hình, bài học về công tác quản lý các công viên phần mềm, cũng như khả năng thích ứng trước những tác động mới của nền kinh tế thế giới. Cụ thể, đó là những vấn đề liên quan đến phương thức làm việc trong tương lai, cách hợp tác hiệu quả giữa các nền kinh tế, xu hướng hợp tác của các nước, các CVPM, hay vấn đề ảo hóa của các khu CVPM hoặc làm cách nào để các CVPM phát triển thông qua cách tiếp cận “chia sẻ cơ sở hạ tầng” và “chia sẻ thông tin”.
Trong thời gian tới, CVPM Quang Trung sẽ làm những gì để thu hút nhà đầu tư và góp phần phát triển ngành công nghiệp phần mềm của nước ta?
Trước tiên, chúng tôi tập trung hỗ trợ các DN đang hoạt động trong CVPM phát triển, như giải quyết những khó khăn trong việc xuất nhập khẩu, các thủ tục hành chính, phổ biến những chính sách mới của ngành CNTT, giúp các DN xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với thương hiệu của QTSC cũng như tạo ra sự cộng hưởng của các DN để hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển và mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, QTSC cũng sẽ thực hiện vai trò phối hợp với cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các DN. Qua đó, giúp nhà trường xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với thực tế DN.
Về thu hút đầu tư, QTSC sẽ tạo các điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nhà đầu tư là những tập đoàn đa quốc gia như QTSC đã từng thành công với các tập đoàn lớn như HP, IBM..., từ đó tạo ra hiệu ứng lan truyền cho các công ty vệ tinh của các tập đoàn lớn đó đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, với hơn 100 DN về CNTT, trong đó có 13 DN lớn đang ở vị trí Top 40 DN hàng đầu Việt Nam, QTSC sẽ đại diện cho một cộng đồng lớn, tích cực trong việc đề xuất với Chính phủ nhằm xây dựng các chính sách phát triển ngành công nghiệp phần mềm có chất lượng, sát với thực tiễn và hoàn cảnh của DN hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo ICTNews
Lê Thị Cẩm Tú