Nhìn lại 80 năm Motorola

Thứ năm, 31/05/2012, 14:00
Trước khi Motorola Mobilty bước sang chương mới với Google, cùng nhìn lại tóm lược 80 năm lịch sử của công ty viễn thông danh tiếng.


>>Xe cảnh sát thông minh của Motorola Solutions
>>10 điều Google có thể làm với Motorola Mobility 

Vụ Google thâu tóm Motorola Mobility đã hoàn tất. Sau khi nhận được sự chấp thuận từ chính phủ Mỹ, Trung Quốc và EU, Motorola Mobility đã chính thức trở thành quân của Google, tiếp cận hệ điều hành di động của gã khổng lồ tìm kiếm một cách gần gũi hơn. Thật khó để tưởng tượng nổi giao dịch như vậy đã diễn ra, chỉ sau 1 năm rưỡi Motorola Mobility tách khỏi công ty mẹ Motorola.
 


Đây là sự kiện mới nhất của công ty đã trải qua lịch sử 80 năm tồn tại nhiều biến động. Đó là một câu chuyện dài và đầy thú vị. Trước khi Motorola Mobility bước sang chương mới, cùng nhìn lại những gì hãng sản xuất điện thoại đã làm được từ trước tới nay.

Những năm đầu tiên

Trước khi trở thành gã khổng lồ viễn thông quốc tế, Motorola là tên của một chiếc đài phát trên xe hơi. Cái tên là tổng hợp từ nhiều nguồn, “motor” (động cơ) trong từ “motorcar” (xe hơi) kết hợp với hậu tố “-ola” để tăng tính biểu thị âm thanh. Đài Motorola do Tập đoàn sản xuất Galvin giới thiệu năm 1930 và trở thành sản phẩm quốc tế đầu tiên của Galvin, dù phát hành trên quy mô nhỏ. Galvin do hai anh em Joseph và Paul Galvin sáng lập.

Năm 1947, công ty bỏ tên Galvin và đổi thành Motorola. Đây là sự thay đổi hợp lí, vì khi đó Galvin đã vươn cánh tay tới mọi loại phát thanh, từ các mẫu cho gia đình, cảnh sát tuần tra tới máy thu phát cầm tay Handie-Talkie dùng trên chiến trường Thế chiến II. Công ty không dùng biểu tượng chữ “M” hiện nay trong gần thập kỉ mà chọn phông chữ ít tính biểu tượng hơn.

Motorola đã manh nha phiên bản điện thoại xe hơi đầu tiên năm 1946, phát triển máy bộ đàm xe hơi cho công ty điện thoại Illinois Bell. Sau khi được đặt lại tên, công ty chứng kiến nhiều thành công hơn với tivi Golden View năm 1947 – chiếc tivi 7 inch có giá 190 USD. Những năm 60, Motorola đi vào giai đoạn “không dây” với mẫu tivi màu 19 inch Astronaut và nhảy xa hơn nữa nhờ cung cấp công nghệ tín hiệu bộ đàm để lần đầu tiên, các nhà du hành vũ trụ trên Apollo 11 phát đi tín hiệu âm thanh và hình ảnh từ Mặt Trăng về Trái Đất ngày 20/7/1969.

Sự ra đời của điện thoại di động

Năm 1973, Motorola tiến thêm những bước lớn tới công nghệ làm nên tên tuổi của hãng trong hàng thập kỉ khi trình diễn mẫu điện thoại di động DynaTAC và trở thành hiện tượng trên toàn thế giới. Phải tới năm 1984, mẫu điện thoại “cục gạch” mới bắt đầu con đường đến với tay người tiêu dùng. Những năm 80 cũng chứng kiến sự phát triển của Six Sigma – chiến lược quản lí chất lượng nhằm vào sản phẩm gần như không có lỗi. Cuối thập kỉ, MicroTAC tấn công thị trường, kích thước và trọng lượng đều giảm và chuyển sang hình thức điện thoại nắp gập (flip form). Năm 1996, mẫu StarTAC trở thành biểu tượng thực sự với thân hình nhỏ gọn, “có thể đeo được”, phổ biến thiết kế vỏ sò và có tùy chọn để rung (vibrate) giống máy nhắn tin của Motorola. Giờ đây, giới sưu tầm gọi StarTAC là “huyền thoại bất tử”.

Kỉ nguyên smartphone

Motorola tiếp tục có sản phẩm “hit” trên kệ với RARZ năm 2004, xóa tan mọi rào cản về kích thước và thời trang của điện thoại di động, trở thành điện thoại vỏ sò bán chạy nhất lịch sử. Cuối thập kỉ này, Motorola chuyển hướng sang Google Android nhằm theo kịp sự bùng nổ smartphone dẫn đầu bởi iPhone của Apple. Công ty cố đặt dấu ấn lên hệ điều hành với skin MotoBlur nhưng gây nhiều thất vọng cho người dùng và giới phê bình. Tháng 10/2009, Motorola đi ngược xu hướng từ chối bàn phím vật lí bằng Droid – mẫu điện thoại nắp trượt dùng Android 2.0 với cái tên do hãng phim Lucasfilm cấp phép sử dụng.

Công ty bắt đầu năm 2011 bằng sự rạn nứt. Sau nhiều năm thảo luận, Motorola chia tách làm hai phần: Motorola Solutions với các sản phẩm/dịch vụ cho doanh nghiệp, Chính phủ như radio hai chiều cho cơ quan an ninh và máy đọc mã vạch; Motorola Mobility, chuyên về sản xuất điện thoại và set-top box. Tháng 8/2011, Google tuyên bố sẽ mua Motorola Mobility với giá 12,5 tỉ USD – giao dịch phải mất tới 9 tháng mới có thể hoàn tất.
 

Theo ictnews

Các tin cũ hơn