Google có nên trở thành con quỷ tham lam trong thế giới công nghệ?

Thứ sáu, 15/06/2012, 16:01
Cách đây 16 năm, hai sinh viên trường Stanford, Larry Page và Sergey Brin cho rằng cách thế giới tìm kiếm trên Internet không tốt cho lắm. Họ cho rằng một công cụ tìm kiếm với những thuật toán dựa trên sự liên kết giữa các website sẽ cho kết quả tốt hơn.


>>Google làm mới tính năng Hot Search tại Mỹ 
>>Apple thật sự muốn “giết chết” Google 

Họ phát triển một công cụ có tên BackRub, 7 năm sau, công ty của họ tạo ra sự kiện IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) lớn nhất lịch sử thời bấy giờ: huy động 1,67 tỷ USD, đưa giá trị công ty 5 năm tuổi lên mức không tưởng: 23 tỷ USD. Hiện công ty này đang có giá trị 183 tỷ USD, có khoảng 1,5 tỷ người đang là khách hàng của họ, nếu đang đọc bài viết này, chắc chắn bạn đã/đang và sẽ sử dụng sản phẩm của công ty này, cụ thể, nhiều khả năng là công cụ tìm kiếm của hãng.

Vâng, nếu bạn đã biết, đó là Google, công ty Internet lớn nhất thế giới thời điểm này. Người khổng lồ Internet không chỉ mạnh... trên mạng mà "hắn ta" đang lan tỏa vào từng ngóc ngách của đời sống. Không chỉ mạng, các sản phẩm trên mạng, nhiều người còn cho rằng Google đang nhăm nhe một thị trường gần như mới hoàn toàn với hãng: sản xuất phần cứng bao gồm: điện thoại, máy tính, kính thông minh, TV...
 

 
Google và tham vọng phần cứng
 
Thật ra Google chưa bao giờ chính thức tham ra vào thị trường sản xuất phần cứng. Sản phẩm phần cứng của Goolge được nhiều người biết đến nhất có lẽ là chiếc smartphone Nexus khá nổi tiếng nhưng Google không hề là người làm ra chiếc điện thoại này, họ thuê HTC. Nexus, ở một khía cạnh nào đó có lẽ là đòn thăm dò thị trường phần cứng của Google và nó đã khá thành công.
 
Gần đây, Google thể hiện rõ ràng tham vọng của mình hơn bằng cách mua lại Motorola Mobility - một hãng sản xuất điện thoại khá nổi tiếng. Trong những tuyên bố đầu tiên của mình, Google vẫn chưa chính thức công bố gia nhập thị trường phần cứng mà tìm cách hướng dư luận vào kho bằng sáng chế khoảng 24500 chiếc và rất nhiều trong đó thuộc dạng "quý hiếm" và "quan trọng" với sự phát triển của Android trong tương lai.
 
Nhưng có lẽ khó có thể nghĩ 12,5 tỷ USD của Google lại chỉ phục vụ cho kho bằng sáng chế kể trên nhất là khi dây chuyền sản xuất của Motorola đang vận hành rất tốt. Google cũng chưa hoàn toàn phủ nhận khả năng tham gia sản xuất phần cứng và trở thành một Apple thứ hai của làng công nghệ thế giới. Tuy nhiên, liệu Google có làm như vậy hay không? Tất nhiên, để quyết định Goolge không thể tung đồng xu quay xúc xắc mà hãng cần dựa trên sự cân nhắc được và mất để đưa ra quyết định liên quan đến sự sống còn của mình.
 
Lợi gì?
 
Về doanh thu, rõ ràng tham gia vào thế giới phần cứng, trong ngắn hạn, Google sẽ có thêm một khoản doanh thu và lợi nhuận không hề nhỏ. Có thể Nexus One chưa thành công lắm về mặt doanh số nhưng vấn đề có lẽ chỉ nằm ở hệ thống phân phối của Google khi mà thị trường phản ứng khá tốt với mẫu điện thoại này. Và hãy nhớ, Android khi đó gần như chỉ là một đứa trẻ sơ sinh nếu so với Android của ngày hôm nay.
 
Nắm trong tay HĐH có thị phần lớn nhất thế giới, một dây chuyền sản xuất và phân phối thuộc hàng top thế giới, hệ thống quảng cáo lớn nhất thế giới, khó có thể nghi ngờ vào thành công của Google khi hãng quyết tâm tiến đánh thị trường phần cứng.
 
Nắm trong tay cả phần xác (thiết bị) lẫn phần hồn (HĐH) có lẽ Google sẽ có thể tạo ra một sản phẩm thậm chí cả một hệ sinh thái tuyệt vời giống cái cách mà Apple đang làm hiện nay (có khác một chút vì Android vẫn phải mã nguồn mở ít nhất 10 năm nữa). Lượng tiền mặt và tài sản dễ chuyển đổi của Google tính đến 31/3/2011 vào khoảng 49 tỷ USD, thừa sức cho hãng làm bất cứ gì hãng muốn.
 
Lợi thì có lợi nhưng răng có lẽ khó còn
 
Cái lợi thấy rõ và cũng không hề nhỏ dù là trên quy mô của Goolge đi nữa. Tuy nhiên vì sao hãng sẽ không (hoặc ít nhất đến thời điểm này là không tỏ rõ ý định) tham gia thị trường phần cứng đầy màu mỡ? Đơn giản, bởi lẽ cái mất và nguy cơ thảm họa dành cho Google còn lớn hơn cả tiềm năng.
 

 
Thứ nhất, kém quan trọng nhất, thị trường phần cứng màu mỡ nhưng cũng đầy hiểm họa. Thị trường PC đang dần suy giảm do ảnh hưởng của mobile, thị trường TV quá khốc liệt và xa lạ với Google, Google Glass thì còn nằm trong phòng thí nghiệm tối thiểu 2 năm nữa. Với Motorola Mobility, tham vọng phần cứng của Google có lẽ nằm ở hai thị trường: smartphone và tablet.
 
Tuy nhiên, hãy nhìn lại thị trường phần cứng của hai sản phẩm này một chút. Tablet duy nhất lãi là Apple iPad (Kindle Fire doanh số tốt nhưng vẫn lỗ bởi giá bán thấp hơn chi phí sản xuất) trong khi các tablet còn lại, đa phần chạy Android đều ngắc ngoải và tin buồn lớn hơn cho Google, rất nhiều có chất lượng phần cứng rất tốt như HP TouchPad, Xoom... Để sản xuất ra những sản phẩm tốt hơn thế này, xét riêng về mặt phần cứng chắc chắn Google còn mất không ít thời gian cho dù Motorola đã có kinh nghiêm với Xoom. Còn smartphone? Cho đến thời điểm này, cũng chỉ có hai hãng là ăn lên làm ra là Apple và Samsung khi hai hãng này chiếm đến 99% lợi nhuận của thị trường di động.
 
Tuy nhiên, khi Google với tiềm lực và sức mạnh của mình tham gia thị trường chúng ta chưa nói trước được gì. Google từng một thời lật đổ Yahoo! - ông vua công nghệ khi đó, không có lý do gì chúng ta không tin vào một cuộc lật đổ tương tự diễn ra trong tương lai khi Google tham ra thế giới phần cứng (nếu có).
 
Lý do thứ hai, quan trọng hơn, thuyết phục hơn khiến chúng ta tin chắc Google không tham gia vào thế giới sản xuất phần cứng: hãng không muốn "đập vỡ nồi cơm" của chính mình cho một cuộc đua quá mạo hiểm.

Trước khi phân tích vấn đề của Google, hãy nhìn lại hai trường hợp rất nổi tiếng về sự thành công và thất bại của hai hãng công nghệ lớn bậc nhất thế giới: Microsoft với Windows và Nokia với Symbian.
 
Câu chuyện bắt đầu từ cuối... thiên niên kỷ trước, thời mà điện thoại còn là "của hiếm" Microsoft với "đứa con" WinMo của mình đã thống trị thị trường smartphone. Nokia và nhiều công ty sản xuất điện thoại khác không muốn điều này, họ lập ra "hội những người không thích WinMo" hay được biết đến nhiều hơn dưới cái tên "liên minh Symbian" hay tên tiếng Anh (chính thức) là Symbian Foundation. Nếu bạn chưa biết về liên minh này thì nó được sáng lập bởi Sony Ericsson, Motorola, NTT DoCoMo và có rất nhiều thành viên như: AT&T, LG, Samsung, STMicroelectronics, Texas, Vodafone... Tất cả cam kết hỗ trợ một nền tảng (Symbian) nhằm đánh bại sự thống trị tuyệt đối của WinMo lúc đó. Nokia và các đối tác trong liên minh với sức mạnh khủng khiếp của mình khi đó, đã thành công.
 
Thế rồi, các thành viên của Symbian Foundation khi đó nhanh chóng nhận ra họ chỉ đơn giản chuyển từ "chỗ tối" này sang "chỗ tối" khác. Symbian với Nokia hóa ra không phải là "hiệp sĩ" như nhiều người nghĩ. Sở hữu nền tảng mạnh nhất thế giới cộng thêm khả năng sản xuất vô song, Nokia nhanh chóng thống trị tuyệt đối thị trường. Hầu như không có cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh lại với Nokia. 10 năm sau, Nokia và Symbian bị lật độ với một kết cục tương tự: sự ra đời của Android và "hiệp sĩ" Google.
 
Câu chuyện thứ hai là của Microsoft, cho dù lúc nào tiềm lực cũng có thừa để tham gia vào thị trường sản xuất phần cứng máy tính, vẫn nói không với ngành công nghiệp hái ra tiền (lúc đó) này. Ngược lại với Symbian, cho đến nay Windows vẫn không có đối thủ.
 
Có lẽ bạn đã nhận ra sự khác biệt cơ bản tôi muốn đề cập: một bên nắm cả phần cứng lẫn phần mềm và thất bại, một bên thành công với chiến lược nói không với phần cứng. Google cũng vậy.
 
Một khi đặt chân vào lãnh địa phần cứng, Google sẽ đánh mất sự tin tưởng và trung thành của các đối tác, đặc biệt là đối tác lớn như Samsung. Nếu Google vừa sản xuất phần cứng, vừa sản xuất phần mềm, cũng giống như trường hợp của Nokia, các đối tác sẽ cảm thấy mất an toàn và cho dù chưa dám "đá" Android ngay nhưng việc họ tìm một HĐH thay thế là hoàn toàn có thể. Có khá nhiều lựa chọn: tự phát triển hoặc nguy hiểm hơn là dùng Windows Phone.
 

 
Cũng giống như trường hợp của Microsoft, nhưng ít mạnh mẽ hơn, Google đang lớn mạnh nhờ sự phát triển của lượng người dùng khổng lồ chứ không hoàn toàn nằm ở chất lượng HĐH. Một cách công bằng, "core" của Android không thể bằng Windows Phone (Windows Phone ít người dùng và ít ứng dụng hơn do gia nhập thị trường sau) và tổng thể thì còn xa mới bằng iOS. Android đang mạnh mẽ nhờ các đối tác sản xuất phần cứng trung thành với mình nhờ đó có một lượng khách hàng khổng lồ. Với lượng thiết bị và khách hàng khổng lồ này, tạo động lực cho các đối tác sản xuất ứng dụng sản xuất cho Android (cho dù lợi nhuận đặc biệt là lợi nhuận/ công sức thấp hơn nhiều so với iOS). Mấu chốt của cả quy trình là Google phải làm sao giữ được các đối tác tiếp tục trung thành với nền tảng của mình.
 
Đặt giả thiết Google sản xuất phần cứng, chưa chắc hãng đã bằng được Samsung hay HTC (đơn giản khi mà Motorola Mobility cũng không bằng) nên chắc gì hãng đã làm được sản phẩm tốt hơn các đối tác của mình? Có lẽ khó.

Ngay cả khi Google Mobile (tạm gọi thế) thành công, liệu nó có thể chiếm được bao nhiêu % thị phần? Hãy nhớ, duy chỉ có siêu phẩm Samsung Galaxy SII là đạt hơn 10% thị phần (trong giới điện thoại Android). Bù lại đó, hãng sẽ mất sự ủng hộ của các đối tác dành cho Android. Liệu có đáng đánh đổi?
 
Kết
 
Có lẽ, Google sẽ không dại dột đánh đổi việc nắm giữ một thị trường lớn và đầy tiềm năng trong tương lai để đối lấy một cơ hội có tỷ lệ thành công thấp trong khi lợi nhuận đem lại (nếu thành công) cũng không quá khủng khiếp. Thật tế chứng minh không có nhiều thành công cho một công ty vừa nắm "thể xác" lẫn "tâm hồn" của một ngành công nghiệp. Độc tài, không bao giờ đem lại chiến thắng.
 
Có thể đến đây, nhiều độc giả sẽ lấy trường hợp của Apple để phản bác lại. Tất nhiên, Apple thành công nhưng sự thành công của Apple thật sự là một điều kỳ diệu của một đội ngũ giỏi nhất, xuất chúng nhất thế giới trong vài thập kỷ qua (có lẽ chỉ có thời hoàng kim của Microsoft là có thể so sánh). Sự thành công của Apple rất khác biệt và chúng tôi sẽ bàn với các bạn trong một bài viết khác.
 
Còn bài viết này, tôi xin kết thúc bằng lời khuyên dành cho Google và bất cứ ai đang làm sản phẩm trong giới công nghệ: Hãy tập trung phát triển giá trị cốt lõi của mình...
 

Theo Genk

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích