>> Thúc đẩy ứng dụng Internet di động cho nông thôn
>>Phổ cập Internet thông qua trẻ em
FPT nhắm Top 500 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới
Mới đây, FPT đã tuyên bố bổ nhiệm giám đốc công nghệ (CTO) cho tập đoàn này. Trên ấn phẩm nội bộ của mình, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng sở dĩ phải bổ nhiệm giám đốc công nghệ bởi công nghệ là trọng tâm phát triển của Tập đoàn FPT, là nền tảng để thực hiện thành công chiến lược OneFPT. Trong đó, CTO là vị trí đầu đàn, dẫn dắt các nhiệm vụ công nghệ.
“Tập đoàn không quan trọng CTO là người trong hay ngoài FPT mà quan trọng người đó phải là chuyên gia hàng đầu. Thứ hai, người đó phải xây dựng năng lực công nghệ cho Tập đoàn FPT, bao gồm đội ngũ công nghệ.Giám đốc Công nghệ FPT có nhiệm vụ giúp Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT FPT trong việc thiết lập chiến lược phát triển công nghệ của tập đoàn. Xây dựng kế hoạch phát triển công nghệ nhằm xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới cũng như xây dựng năng lực công nghệ nhằm đáp ứng chiến lược kinh doanh dài hạn của tập đoàn”, ông Trương Gia Bình nói.
FPT là một trong hai đại gia ICT tuyên bố mạnh mẽ về chiến lược đầu tư cho R&D
Ông Nguyên Lâm Phương, tân CTO của FPT cho rằng, phải thay đổi hình ảnh công nghệ của Tập đoàn FPT, nhưng không phải làm một lần mà là xây dựng một chiến lược trường tồn, bền vững, phù hợp với điều kiện và năng lực của FPT, của người Việt Nam trong ngành Viễn thông - CNTT.
CTO phải xây dựng chiến lược công nghệ phù hợp nhất cho việc phát triển Tập đoàn FPT, trong đó việc đầu tư mỗi năm 5% lợi nhuận trước thuế vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các sản phẩm công nghệ chỉ mới là bước phát triển đầu tiên của chiến lược này. Sau đó, FPT sẽ xem xét, phản biện các sản phẩm, dự án đầu tư công nghệ (gồm cả M&A) trong và ngoài FPT. Đồng thời chỉ đạo các công ty thành viên, viện nghiên cứu triển khai xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới theo kế hoạch được duyệt, đảm bảo bám sát nội dung chiến lược về kinh doanh công nghệ của FPT.
“Tôi hy vọng những điều này sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu để phát triển chiến lược dài hơi. FPT phải dẫn đầu về công nghệ không chỉ ở Việt Nam mà còn phải vươn ra khu vực và quốc tế. Trước mắt, CTO sẽ có nhiệm vụ xây dựng nền tảng công nghệ cho FPT, làm sao trong 2-3 năm nữa FPT bắt đầu có những sản phẩm CNTT hàng đầu Việt Nam của riêng mình. Về dài hạn thì chiến lược OneFPT đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2024, FPT sẽ lọt vào Top 500 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới”, ông Lâm Phương nói.
Trước đó, FPT đã đưa ra thông tin hằng năm dành khoản ngân sách bằng 5% lợi nhuận trước thuế năm liền trước để chi cho các hoạt động R&D. Như vậy, FPT là doanh nghiệp hiếm hoi của Việt Nam đưa ra lời tuyên bố rõ ràng về việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Có thể Viettel sẽ hiến Tổng công ty sản xuất thiết bị cho đất nước
Tuy là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, nhưng Viettel luôn ấp ủ tham vọng nhảy vào lĩnh vực công nghệ. Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel đã bắt đầu cho một tiến trình chuyển từ một tập đoàn dịch vụ thành một tập đoàn dịch vụ - công nghệ, góp phần đưa tên Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tên trên bản đồ công nghệ thế giới.
Mỗi năm Viettel sẽ dành ra 10% lợi nhuận cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trong năm 2012, Viettel chi tới 2.000 tỷ đồng cho hoạt động này. Với số vốn này, Viettel hoàn toàn có đủ điều kiện để đầu tư cho các dự án nghiên cứu có qui mô lớn, làm chủ thiết kế các thiết bị viễn thông từ thiết bị đầu cuối, thiết bị truy nhập đến thiết bị lõi.
Với chiến lược này, Viettel đang là mô hình hiếm hoi trên thế giới vừa cung cấp dịch vụ vừa sản xuất thiết bị viễn thông-CNTT. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, “nếu nhìn vào lịch sử, 50 năm cuối của bất kỳ thế kỷ nào cũng xuất hiện những công nghệ lõi, và 50 năm đầu của bất kỳ thế kỷ nào cũng chủ yếu đẩy công nghệ lõi vào ứng dụng. Steve Jobs không phải nhà sáng tạo mà là người sử dụng công nghệ cộng với điện tử dân dụng của Nhật vào sản phẩm, còn những sáng tạo theo nghĩa công nghệ cốt lõi thì không có. Hiện đang là cơ hội cho Việt Nam. Đang ở 50 năm đầu của thế kỷ, các công nghệ lõi đã có sẵn, chỉ cần đẩy vào, vấn đề là có thị trường hay không, sau đó mới nghĩ đến công nghệ. 20 - 30 năm nữa, Viettel sẽ bắt đầu sản xuất công nghệ lõi”.
“Con đường phát triển của Viettel cơ bản đi ngược với các doanh nghiệp khác. Khi mọi người tập trung ở thành phố thì Viettel chạy về nông thôn, khi mọi người loay hoay với thị trường trong nước thì Viettel ra nước ngoài, khi mọi người đẩy mạnh ứng dụng CNTT thì Viettel đệm thêm chữ “ứng dụng CNTT và viễn thông”, khi mọi người không ai sản xuất thiết bị thì Viettel bắt đầu sản xuất thiết bị. Rất có thể sau này Viettel sẽ hiến tặng Tổng công ty sản xuất thiết bị của mình cho đất nước (tách ra khỏi Viettel), nhưng cái nôi để tạo ra một công ty sản xuất nghiên cứu lúc này thì bắt buộc phải nằm trong Viettel”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo ictnews