Truyền hình trả tiền "so găng"

Thứ ba, 19/06/2012, 14:46
Với hơn 2 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (Pay TV), các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh, truyền hình Internet… vẫn còn có nhiều cơ hội để thu hút khách hàng vì theo ước tính đến nay, Việt Nam mới có khoảng 10% hộ gia đình đăng ký sử dụng truyền hình trả tiền.


>>Hà Giang, Hải Dương ứng dụng hội nghị truyền hình 
>>Cá nhân có thể mở 'truyền hình trực tuyến' trên Google+ 

Tăng tốc cạnh tranh

Kể từ năm 2008- 2009 bắt đầu có sự cạnh tranh trên thị trường Pay TV từ các đơn vị kinh doanh truyền hình (TH) số vệ tinh và TH Internet. Trước đó, TH số mặt đất của VTC đã tạo sức ép không ít cho các nhà kinh doanh TH cáp.

Cách đây khoảng 3-4 năm, các đơn vị TH cáp chỉ dừng lại ở con số dưới 1 triệu thuê bao thì hiện nay số lượng thuê bao đang tăng nhanh với sự tham gia của công ty trong và ngoài nước. Từ năm 2010 đến nay, các đơn vị kinh doanh dịch vụ TH cáp/TH số… đang tích cực khuyến mãi và tung ra các gói cước ưu đãi để giành giật khách hàng.
 

Kênh TH HD sẽ là lựa chọn ưu tiên trong năm 2012.


Theo ông Trang Anh Lan Phương, Giám đốc Trung tâm TH trả tiền OneTV, so với các nhà cung cấp TH cáp hoặc TH số, dịch vụ TH Internet hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển nội dung. Tuy nhiên, bù lại, TH Internet lại có ưu thế trong việc cung cấp kênh TH tương tác; giúp người xem giao tiếp ngay trên kênh TH (mua sắm, giải trí...).

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng tham gia thị trường TH vào giữa năm 2011 với dịch vụ TH Internet – NetTV. Các thuê bao đang sử dụng dịch vụ ADSL của Viettel sẽ được ưu tiên về băng thông Internet để có thể thưởng thức các kênh TH NetTV tốt hơn.

Viettel đã cung cấp 4 gói cước NetTV bao gồm các kênh TH SD, HD cùng với các dịch vụ gia tăng (VOD, MOD...). Bên cạnh các kênh TH thông thường thuê bao của NetTV có thể sử dụng dịch vụ VOD (Video-On-Demand - xem video theo yêu cầu); MOD (Music-On-Demand – nghe nhạc theo yêu cầu); đọc báo điện tử…

Từ tháng 9/2009, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng ra mắt dịch vụ TH Internet – MyTV do công ty Phần mềm và Truyền thông VASC chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh. Có thể nói, MyTV với sự hỗ trợ tích cực từ VNPT đã tăng trưởng mạnh số lượng thuê bao trên phạm vi toàn quốc. Theo công ty VASC, cho đến giữa năm 2011 đã có khoảng 400.000 thuê bao sử dụng dịch vụ TH MyTV.

Đầu tư nội dung riêng

Ông Cao Văn Liết, Tổng Giám đốc công ty TH số vệ tinh (Vietnam Satellite Digital Television – VSTV) khẳng định: Trong năm 2012, VSTV sẽ không giới thiệu thêm kênh mới mà tập trung xây dựng các kênh TH với nội dung riêng. Phát triển các kênh TH mang sắc thái riêng cũng là mục tiêu trong năm 2012 của công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (Audio Visual Global – AVG).

Dù là “người đến sau” nhưng AVG đã mạnh dạn trình làng 10 kênh TH nội dung riêng: Kênh TH An Viên (văn hoá Phương Đông); kênh hoạt hình thiếu nhi SAM; kênh thể thao - giải trí NCM; kênh phim ca nhạc VietTeen…
Hướng đến TH HD

Ông Nguyễn Thành Đông, Trưởng phòng Kinh doanh công ty TH cáp Saigon Tourist (SCTV) cho biết: Trong năm 2012, SCTV sẽ tăng số kênh TH HD từ 15 kênh hiện nay lên 25 kênh. Đồng thời, SCTV sẽ chú trọng việc cung cấp các kênh nội dung thuần Việt (do SCTV sản xuất) với chất lượng hình ảnh HD.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ TH trả tiền vẫn đang chạy đua tăng kênh TH HD. Nếu trước đây, các dịch vụ TH cáp chỉ cần cung cấp 7-8 kênh HD thì đến nay đã phải tăng lên 15 – 25 kênh TH HD. Tuy nhiên, trong số kênh HD (High Definition - độ phân giải cao) này vẫn có không ít những kênh SD (Standard Definition - độ phân giải tiêu chuẩn) được up-scale (nâng độ phân giải).

Bản thân AVG ngay từ đầu đã cung cấp gói cước “cao cấp” bao gồm 55 kênh TH; trong đó có 5 kênh TH HD. AVG đặc biệt đầu tư nhiều vào kênh TH An Viên thông qua các đối tác phát triển nội dung (đài TH; các nhà khoa học…). Ngoài ra, gói cước này còn có các kênh thể thao/giải trí như HBO HD, StartMovie HD, AXN HD và ESPN HD.
 

Theo Pcworldvn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích