Bà Liên mẹ của nạn nhân với tấm lòng bao dung độ lượng.
Phía sau thảm án
Đã mấy năm trôi qua, người dân nơi đây luôn lấy đó làm bài học cho cuộc sống, vì sự bao dung độ lượng, vì tấm lòng vị tha của người đàn bà mất đi đứa con gái yêu thương của mình. Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong rừng, rất buồn và cô đơn. Người mẹ đã ngoài bảy mươi dáng gầy nhỏ, đôi mắt đã khô vì khóc quá nhiều, nhưng trông rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh, chỉ có đôi mắt nua già vẫn thoáng buồn đăm đắm.
Bà Trần Thị Liên (70 tuổi) có 5 người con nay tất cả đều đã thành danh và lập gia đình ở xa, tuy chỉ có cô con gái thứ hai là Trương Thị Trúc đã mất năm cô tròn 25 tuổi. Cái chết đến với con gái quá bất ngờ khiến người mẹ già ngã bệnh trong thời gian dài.
Khi nghe nhắc lại nỗi đau ngày nào, bà Liên ngậm ngùi nhìn bức ảnh con gái trên bàn thờ, nói: “Nó hiền lắm, xóm làng ai cũng thương, học Sư phạm cũng gần ra trường rồi, thế mà!”… Bà Liên dừng lại, nước mắt trào ra như chuyện xưa đang xảy ra trước mặt bà. Nhìn bức ảnh cô gái có khuôn mặt đẹp một cách hiền từ đang cười với mái tóc dài mà người trong làng ai cũng bảo cô đẹp, nết na, ăn nói nhỏ nhẹ, càng thêm hiểu nỗi đau của người mẹ.
Lúc đó, Trúc chưa ra trường nhưng người trong xóm đã gửi con đến nhờ cô giáo trẻ dạy dỗ, đông vui lắm. Bà Nguyễn Thị Phương, người hàng xóm tâm sự: “Con gái ở đây mấy đứa nào so được với con Trúc, vừa đẹp lại hiền, con gái mà như thế sao không làm cho thằng Thủy nó chết mê chết mệt. Vậy mà ai ngờ con bé đoản mệnh thế. Đúng là phận hồng nhan!”.
Nhắc đến mối tình của con gái mình với Trần Đăng Thủy (32 tuổi, trú xã Bình Đào, Thăng Bình, Quảng Nam), người mà sau này trở thành kẻ giết con gái mình, bà Liên chỉ ngậm ngùi bảo: “Chúng nó cũng đã có một thời yêu nhau, nhưng con Trúc thấy không hợp nên chia tay, còn chuyện gì xảy ra ngày hôm ấy tôi cũng không rõ lắm!”.
Thật ra, không phải bà Liên không nhớ mà bà không muốn kể lại, bà muốn để mọi chuyện chôn sâu vào quên lãng. Sự việc xảy ra vào rằm tháng Tám cách đây đã 7 năm, tại ngôi nhà nhỏ đứng nép sau rừng phi lao vùng cát.
Người thanh niên sau khi đến nhà người yêu cũ chơi, trong lúc lời qua tiếng lại, Thủy đã dùng dao đâm chết chị Trúc ngay trong nhà, rồi anh tự đâm mình tự tử nhưng không thành và phải chịu án tù chung thân.
Thủy là kẻ đã đâm chết người yêu của mình, nhưng lạ thay khi nhắc đến Thủy người dân trong xóm cũng như mẹ của nạn nhân đều không tỏ thái độ căm ghét mà vẫn tỏ ra thông cảm. Bà Liên khi nhắc đến Thủy còn tỏ vẻ ái ngại, thương xót như thương cho con gái mình: “Cái thằng sao mà yêu đến mê dại như thế, để đến nỗi hại người, hại thân. Nó cũng là một người có học, có năng lực, đẹp trai nữa, chỉ có tội suy nghĩ không sâu mà gây hậu quả thế này!”.
Những câu bà Liên nói về Thủy không phải trách mắng với một kẻ đã giết con gái mình mà như với một người lầm đường lỡ bước. Bà Tâm, mẹ của hung thủ cũng ngậm ngùi cho biết: “Trời tiếc cho một đôi trai tài gái sắc, cái thằng đẹp trai và lịch sự lắm, gặp ai trong xóm cũng chào hỏi, thấy mà thương, giờ cuộc đời như đóng lại mất rồi!”. Tất cả đã là quá khứ, vết thương để lại quá lớn trong lòng hai bà mẹ. Nhưng đằng sau đó, là cả một câu chuyện đẹp về lòng vị tha, về tình người của hai người phụ nữ tóc đã pha sương.
Hóa giải nỗi đau
Sau vụ án mạng, người chết cũng đã chết, kẻ ở tù phải chịu án chung thân. Vết thương lòng để lại cho người thân thì quá lớn tưởng chừng như không thể lành nổi. Hai bên gia đình, một là cha mẹ của nạn nhân, hai là cha mẹ của kẻ sát nhân, cả hai đều hứng chịu nỗi đau mất con như nhau, nên họ thông cảm và thấu hiểu cho nhau. Bởi lẽ họ hiểu một điều, đó là cả hai đều không muốn chuyện này xảy ra.
Không oán hận, không đổ tội cho nhau mà cả hai bên gia đình vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau cho nhau. Bà Liên từ khi mất con gái chưa bao giờ có một lời oán hận kẻ đã gây ra cái chết cho con gái mình. Còn trong ngày đám tang của Trúc gia đình Thủy lo hết mọi bề, họ cũng thương xót Trúc không thua gì người thân.
Bà Tâm tâm sự: “Thương cho con Trúc hồng nhan bạc phận, tôi cũng luôn mong nó trở thành dâu con trong nhà, ai ngờ mọi chuyện lại như thế!”. Nhắc đến Trúc mắt bà Tâm rơm rớm nước mắt, bà Liên vội vỗ nhẹ tay lên vai người đàn bà bây giờ đã trở thành bạn mình. Mọi ngày giỗ Trúc hay những ngày giỗ của nhà bà Liên, bà Tâm đều có mặt để giúp một tay.
Mọi người trong gia đình bà Liên đều xem bà Tâm như người trong nhà, họ đối xử với nhau hòa thuận. Nhiều người dân trong xóm biết chuyện cũng tấm tắc bảo: Chưa lần nào thấy hai bên họ cãi cọ nhau, hai bà thân lắm, chuyện xưa cũng ít ai nhắc lại.
Bà Liên cũng từng tâm sự: “Chuyện của mấy đứa trẻ, mình là người lớn sao phải hận nhau làm gì, có ai mong muốn chuyện xảy ra đâu, trách mắng nhau liệu con gái có sống lại không. Bên ấy cũng mất đứa con, nỗi đau kém gì tại sao phải làm khổ cho nhau chứ. Sống như thế này có khỏe hơn không!”.
Hai bà mẹ bây giờ giống như hai chị em, tình cảm sâu sắc họ tìm đến nhau những lúc nhớ đến con và tâm sự cho nhau nghe những chuyện buồn vui. Chính sự thông cảm và thấu hiểu lẽ đời của mẹ nạn nhân giúp người mẹ của kẻ gây án đỡ phải day dứt lương tâm.
Gia đình bà Tâm cảm phục tấm lòng của bà Liên rộng lượng đối xử với gia đình như vậy, làm cho bà thấy nhẹ lòng hơn, đỡ gánh nặng về tội lỗi mà đứa con trai ngốc dại của bà đã gây ra.
“Tôi rất quý chị Liên cũng như gia đình chị. Sống với nhau ở trên đời cái khó nhất là có thể tha thứ khi một ai đó đã gây cho mình một tổn thương quá lớn!”, bà Tâm tâm sự. Ở xóm làng này, cả hai người đều sống chưa bao giờ mất lòng ai trong xóm, những lúc hàng xóm khó khăn cả hai người đều sẵn sàng giúp đỡ mà không một chút tính toán.
Anh trai của nạn nhân chia sẻ: “Thôi thì mọi chuyện cũng đã qua. Tuổi trẻ có những lỗi lầm và đã phải trả giá. Được gì đâu nếu cứ mãi hận thù nhau, sao không mở lòng mình ra, đối xử với nhau bằng cái tình có phải cuộc sống sẽ nhẹ nhàng thanh thản hơn không. Cuộc đời này có được bao năm sống đâu mà cứ phải mang mãi mối hận thù ấy!”.
Theo An ninh thủ đô