Niềm vui khi được xuất viện bỗng chốc biến thành cơn ác mộng...
Chiều 7/8, đợi hơn 20 phút nhưng chưa thấy xe cứu thương đến, anh Sang - người nhà của bệnh nhân điều trị tại khoa chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy - đứng ngồi không yên.
Trong khi đó trước cổng vào khoa, người em trai của anh Sang đầu băng bó ngồi trên xe lăn mặt nhăn nhó, áo đầm đìa mồ hôi. Em gái anh Sang ngồi bệt xuống đất rơi nước mắt.
Gia đình anh Sang là một trong số ít nạn nhân của tình trạng móc nối giữa nhân viên bệnh viện và “ông trùm” bao xe cứu thương.
Ảnh từ trái sang: Phước “heo” (45 tuổi, ngụ Q.11) - “trùm” móc nối với một số nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ép người bệnh đi xe cứu thương giả với giá “cắt cổ”. Một bệnh nhân ở huyện Củ Chi (TP.HCM) buộc phải đi xe cứu thương giả của Phước “heo” với giá 700.000 đồng. Xe cứu thương giả đậu tại sân Bệnh viện Chợ Rẫy săn đón các nạn nhân - Ảnh: Trích video. |
Móc nối
Trước đó, khoảng 14h cùng ngày, Phước “heo” xuất hiện tại cửa sau khoa chấn thương sọ não. Lúc này, nhân viên của khoa gọi người nhà bệnh nhân đến khu hành chính làm thủ tục xuất viện.
Nghe được thông tin này, Phước liên tục trao đổi với nhân viên Nguyễn Thị Mỹ Lệ, người có nhiệm vụ đưa giấy xuất viện. Ông Phước tỏ ra nóng ruột, đứng sát bà Lệ để nắm tình hình, rồi đi ra cổng khoa cấp cứu. 15h30, ông Phước nghe điện thoại và cùng đàn em vội vàng đi vào khoa chấn thương sọ não.
Tại khoa, bà Lệ đưa giấy xuất viện cho anh Sang để chuyển em trai ra ngoài. Lúc này, ông Phước và đàn em liền bám theo sau. Tin tưởng bà Lệ giới thiệu xe cứu thương của ông Phước, anh Sang liền bàn giá cả với ông này. “Xe cứu thương chở về Bình Phước giá 1,5 triệu đồng. Chỗ nằm thoải mái, chạy nhanh hơn xe taxi nhiều” - ông Phước ra giá.
Anh Sang gật đầu đồng ý, nhưng em trai và em gái anh Sang lại nói giá quá cao. Thấy khách chần chừ, Phước và đàn em liên tục dọa rằng nếu không chịu đi, chờ đến tối cũng không có xe nào dám vào đây để đưa người xuất viện về nhà. Thấy chuyện lùm xùm, bà Lệ ngoắt em gái anh Sang đến lấy lại giấy xuất viện.
“Đưa giấy đây, ra ngoài đó chờ khi nào có xe rồi vô lấy lại” - bà Lệ lạnh lùng. Trời bắt đầu nhá nhem tối, anh Sang đi loanh quanh ngoài bệnh viện tìm xe, còn cô em gái ngồi bệt xuống đất, mệt mỏi gục mặt lên đầu gối.
Gần hết buổi chiều 7/8, anh Sang vẫn không tìm được xe đưa em trai về Bình Phước, đành chấp nhận đi xe cứu thương của Phước “heo” với giá 1,4 triệu đồng. Phước quay lại khoa chấn thương sọ não lấy giấy xuất viện, bảo gia đình anh ngồi đợi.
Khoảng 15 phút sau, Phước điều chiếc taxi đến đón gia đình anh Sang. Anh Sang không đồng ý vì không phải xe cứu thương như thỏa thuận ban đầu và đòi lại giấy tờ, Phước “heo” tỏ vẻ bực mình nhưng vẫn yêu cầu đàn em điều xe khác. “Mày lắp còi hú, dán logo rồi chạy xe tới gấp giùm cái. Khách đợi lâu quá rồi” - đàn em của Phước “heo” nói qua điện thoại.
Cuối cùng, chẳng có chiếc xe cứu thương nào cả, buộc gia đình anh Sang phải đi taxi do Phước điều. “Vì tin lời điều dưỡng tôi mới nói chuyện với họ. Em tôi còn yếu, lại bị chấn thương ở đầu, muốn có xe cứu thương chở về nằm cho thoải mái. Đi taxi thì mệt quá” - anh Sang nói.
Gần 17h chiều 8/8, trước khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi chứng kiến cảnh người nhà của một bệnh nhân ở Củ Chi phải chạy đôn chạy đáo tìm xe cứu thương. Thái độ của anh này lập tức “lọt” vào mắt của nhóm Phước “heo”. Phước “heo” cùng đám “cò” lao tới ra giá 700.000 đồng chở về Củ Chi. Sau một lúc bàn bạc, cuối cùng người nhà bệnh nhân đành chấp nhận.
Ngay lập tức, Phước “heo” điều một chiếc xe gắn còi hụ lao từ ngoài cổng vào đậu ngay trước hành lang bệnh viện, khiêng người bệnh lên xe.
“Cả sáng nay tôi bảo nhân viên gọi xe của bệnh viện giùm nhưng chờ hoài không có xe nào cả. Đến đầu giờ chiều, tôi đưa người nhà ra ngoài hành lang nhưng giấy tờ còn bị giữ ở bệnh viện nên không thể xuất viện được. Giờ phải đi xe này chứ còn xe nào nữa mà đi” - anh người nhà bệnh nhân quệt mồ hôi nói cay đắng.
Theo anh này, hôm trước đi từ Củ Chi lên Bệnh viện Chợ Rẫy bằng xe cứu thương chỉ 500.000 đồng.
“Ông trùm”
Theo điều tra, Phước “heo” (chừng 45 tuổi, ngụ quận 11) là “ông trùm” bao xe cứu thương tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Phước “heo” cho biết có kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề. Đội xe của Phước có thể “phủ sóng” hầu hết bệnh viện ở trung tâm thành phố, trọng điểm là khu vực quận 5.
“Không có ai qua mặt được anh mày. Xe cứu thương “chế” hay xe cứu thương các tỉnh quay đầu... anh đều bao hết. Muốn về miền Bắc, miền Trung, miền Tây... anh cũng nhận” - Phước “heo” quảng cáo.
Theo Phước “heo”, tại Bệnh viện Chợ Rẫy đội xe của ông phải làm ngày làm đêm. Từ 13h30 các ngày thứ hai đến thứ sáu (cao điểm bệnh nhân xuất viện), nhóm của Phước túc trực liên tục trước cổng bệnh viện đợi điện thoại để làm ăn.
“Khi nào đội xe của anh “cháy” hàng, anh sẽ liên hệ với mấy tài xế xe cấp cứu đưa bệnh từ các tỉnh lên Sài Gòn mà chưa quay đầu lại. Hễ chưa có xe nhận chở thì anh báo cho điều dưỡng giữ lại giấy xuất viện. Giữ đến khi nào anh nhắn có xe rồi mới đưa giấy xuất viện cho bệnh nhân” - Phước tiết lộ.
Phước “heo” (trái) chèo kéo người nhà bệnh nhân đi xe cứu thương giả. |
Thường các bệnh viện hoàn tất thủ tục xuất viện vào buổi chiều, nhiều người nhà bệnh nhân ở tỉnh rất sợ thủ tục xuất viện trục trặc hoặc nhân viên cố tình “ngâm” giấy sẽ không có xe về quê.
Trong những ngày có mặt ở Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi chứng kiến không ít người nhà và cả người bệnh nằm vật vạ khắp các hành lang vì chưa có giấy xuất viện mà không rõ lý do.
Chiều 8/8, bà Sáu (quê Đồng Tháp, có con trai điều trị tại khoa chấn thương sọ não) ngủ gục trên dãy ghế ngồi. Dù được thông báo con trai sẽ được xuất viện vào đầu giờ chiều, nhưng tới gần 17h bà Sáu vẫn chưa nhận được giấy.
Nắm được tình hình, Phước sáp lại nói với bà Sáu: “Về đó tôi lấy bà 2,2 triệu đồng thôi. Xe cấp cứu đàng hoàng. Còn không chịu chờ đến mai cũng không có giấy đâu”. Bà Sáu nói không có giấy thì tối nằm ngủ lại, chứ không đủ tiền đi xe của Phước...
Theo tìm hiểu, đội xe của Phước “heo” đủ thành phần, từ xe cứu thương giả, xe bảy chỗ, taxi giả... Những chiếc xe này đậu quanh khu vực các bệnh viện. Khi nhận được thông tin, Phước sẽ gọi chủ xe đến để đưa giấy xuất viện, sau đó vào bệnh viện đón khách.
Tiền thu được, Phước “heo” và chủ xe chia nhau. “Mấy người đi tỉnh xa, mình đút xe ngon lành chút xíu, có băng ca, oxy là đi thôi. Nếu xe tỉnh lên có sẵn điều dưỡng rồi. Còn xe của mình thì “bốc” điều dưỡng ở bệnh viện quận đi. Cứ nhận được ca bệnh là tôi chia tiền” - ông Phước nói.
Gặp người có nhu cầu, ông Phước không ngần ngại đưa danh thiếp, “nổ” mình là chủ đội xe cấp cứu 24/24 giờ, trang bị bình oxy, máy hút đàm, đội ngũ nhân viên y tế phục vụ chu đáo, chạy xuyên Việt. Tuy nhiên, thực tế đa số xe “cứu thương” của Phước “heo” thường chỉ là dạng cà tàng, không có nhân viên y tế nào.
Ăn chia
Chiều 5/8, một chiếc xe dán logo chữ thập đỏ, còi hú, có ghi số điện thoại nhưng không ghi xe của đơn vị nào, đậu trong khuôn viên bệnh viện. Lúc này Phước “heo” đứng ở chốt bảo vệ khoa cấp cứu. Nhận được tin sắp có bệnh nhân xuất viện, Phước liền chạy vào khoa để làm việc với người nhà bệnh nhân.
Sau khi thống nhất giá, Phước “heo” cầm giấy xuất viện và gọi xe vào nhận người. Vì không có điều dưỡng đi cùng nên hai người nhà phải tự đẩy cáng cứu thương đưa người bệnh vào xe. Trước khi ra khỏi bệnh viện, tài xế chia tiền cho Phước.
Nhiều ngày theo dõi, PV chứng kiến cảnh chia chác tiền công khai giữa tài xế và nhóm Phước “heo” ngay giữa bệnh viện.
Cụ thể, chiều 23/7 Phước lấy của một tài xế 400.000 đồng. Ngày 5/8, một tài xế xe cứu thương giả phải chia cho Phước “heo” 300.000 đồng để chở người xuất viện về Tiền Giang.
Chiều 8/8, một nhân viên khoa chấn thương sọ não “bắn” tin cho Phước có bệnh nhân về Đồng Nai, Phước gọi tài xế xe cứu thương của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai (mới chuyển bệnh từ Đồng Nai lên Bệnh viện Chợ Rẫy) đến nhận người bệnh. Lần này, Phước “heo” trực tiếp lấy từ người nhà bệnh nhân hơn 1 triệu đồng và chia với tài xế.
Phước “heo” tiết lộ để sống được với nghề này, quan trọng là thiết lập được mạng lưới “nguồn tin” từ điều dưỡng các bệnh viện.
“Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, từ lầu 1 đến lầu 9, tôi đều có điều dưỡng báo ca xuất viện hết. Mỗi lần có bệnh nhân, tôi chung thẳng cho điều dưỡng báo tin. Quy luật làm ăn ở bệnh viện nào cũng vậy, cứ mỗi ca phải chung cho họ 20%. Nên nhiều điều dưỡng ngâm giấy xuất viện, đợi có xe tỉnh lên mới đưa cho bệnh nhân” - Phước kể.
Theo TTO