Nỗi đau của gia đình tài xế “chọn cái chết cho hành khách được sống”

Thứ ba, 12/08/2014, 10:19
Sự ra đi dũng cảm của tài xế Phạm Thành Long, “chọn cái chết về phần mình”, đã an ủi phần nào mất mát của gia đình. Nhưng vẫn thật khó nói nói hết nỗi đau của người mẹ già, vợ và hai đứa con của anh...

Người đàn ông của gia đình

Ngày 11/8, chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Thành Long, người cùng với phụ xe Phạm Công Nhật chọn cái chết về phần mình để cứu lấy tính mạng của hàng chục hành khách trên chuyến xe gặp tai nạn sáng 5/8 trên tỉnh lộ 723, đoạn qua địa phận xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.

Mỗi đau quá lớn của vợ con anh Phạm Thành Long. 

Mỗi đau quá lớn của vợ con anh Phạm Thành Long.

Căn nhà nằm trong con hẻm nhỏ thuộc phường 2, TP Tân An, tỉnh Long An vốn yên tĩnh giờ càng thêm lặng lẽ, trầm mặc trong hương khói. Di ảnh anh Long được cắt ra từ bức ảnh anh chụp cùng vợ con.

Chị Võ Thị Bích Dung trào nước mắt khi nhắc đến chồng. Chị kể, anh Long không chỉ là trụ cột kiếm tiền trong gia đình mà còn là một người rất chu toàn, sống có trách nhiệm, không thích làm phiền đến người khác.

“Tôi ở nhà nội trợ, không mấy khi đi ra ngoài. Ảnh lo tiền nong cho con học hành, tiền chi tiêu trong gia đình. Mà ảnh lo nhiều thứ lắm, mọi đồ dùng trong nhà, từ hộp sữa tắm, dầu gội cho đến chai nước mắm, củ tỏi hay quần áo của vợ con, ảnh cũng thích tự tay mình sắm sanh. Trong nhà giờ nhìn đâu cũng toàn thấy đồ đạc ảnh mua thôi à”, người vợ thút thít khóc.

Chỉ đôi dép quai hậu ở góc nhà, chị Dung tiếp lời: “Chuyến đi Vũng Tàu gần đây, ảnh gọi điện khoe có quà cho tôi. Về đến nhà ảnh lôi ra đôi dép đưa cho. Mấy người chị dâu, mấy chị hàng xóm đều nói cả đời họ chưa được chồng quan tâm như vậy...”.

Anh Long và chị Dung nên duyên vợ chồng khi chị mới 17 tuổi. Thời gian đằng đẵng, đến năm 36 tuổi chị mới mang bầu sinh đứa con trai đầu lòng, 3 năm sau sinh tiếp cô con gái. Gần 20 năm với bao nhiêu lời thúc giục, đủ điều tiếng bên ngoài mà anh Long không hề lung lay chuyện muộn con, vẫn thương vợ hết mực. Cho dù lúc đó, chính chị Dung từng nghĩ nếu anh có vợ bé chị cũng không oánh trách.

Bà Nguyễn Thị Sảnh: Thằng Long sống chỉ nghĩ đến người khác thôi. 

Bà Nguyễn Thị Sảnh: "Thằng Long sống chỉ nghĩ đến người khác thôi".

Anh Long là con út trong gia đình có 5 năm người anh, bố mất từ khi anh còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ của anh là bà Nguyễn Thị Sảnh, 80 tuổi cho biết, đi xe khách đến đâu thấy có thuốc nào tốt cho xương cốt, bồi bổ sức khỏe cho mẹ là anh Long mua về bằng được.

“Cách đây chưa lâu, trước chuyến đi này, nó còn hỏi tôi "dầu xoa bóp của má hết chưa để chuyển tới con đưa về cho má". Nó chỉ nghĩ đến người khác thôi. Mà nó mê cái nghề lái xe này lắm, lúc nào cũng nói ước gì có sức khỏe, được lái xe cả đời để kiếm tiền nuôi vợ con”, người mẹ nghẹn ngào.

“Con thương cha nhất!”

Hôm nay cũng là ngày đầu tiên hai con của anh Long là cháu Phạm Thanh Vui (lớp 6) và cháu Phạm Thanh Lộc (lớp 3) đến trường đầu năm học. Từ trường trở về, hai cháu đứng bần thần ở bàn thờ cha. Theo chị Dung, dù anh Long đi xe suốt ngày, không mấy khi ở nhà nhưng hai đứa con lại rất quấn cha, đặc biệt là cô con gái.

Nhiều hôm, xe đi lúc 1 - 2 giờ sáng, anh Long chỉ cần khều chân cái là bé Lộc bật dậy thơm tạm biệt cha. Rồi khi biết anh trở về, bé chờ đến khuya và còn dặn bà, dặn mẹ: “Nếu con có ngủ quên, lúc cha về nhớ thức con dậy để cha thơm con nha”. Mấy hôm nay, bé Lộc không ngừng hỏi: “Từ nay cha không thơm con nữa hả mẹ?”.

Hai đứa trẻ không dám tin từ nay đã mất cha

Hai đứa trẻ không dám tin từ nay đã mất cha.

Bất kỳ ai hỏi "thương ai nhất", bé Lộc sẽ trở lời ngay: “Con thương cha nhất. Vị trí của cha trong con là như vậy rồi, sẽ không bao giờ thay đổi được” rồi quay sang dặn anh trai: “Cha mất rồi mình phải yêu thương, hòa thuận nha anh hai”.

Những ngày qua, những người thoát chết trên chuyến xe do anh Long cầm lái đã đến nhà anh viếng người cứu mình, có người đã quỳ sụp trước bàn thờ anh mà khóc. Cái chết của anh Long giúp nhiều người giữ được tính mạng, điều đó phần nào ai ủi gia đình.

Mấy hôm nay, cứ đến giờ đi tắm, cầm hộp sữa tắm bé Lộc lại hỏi: “Đây là món quà kỷ niệm cuối cùng của cha để lại cho con phải không? Và chiếc xe đạp cũ cha vừa mua cho con nữa”. Còn cậu con trai lí nhí: “Chủ nhật cha hay đưa hai anh em đi ăn phở nhưng từ giờ thì không có cha bên cạnh nữa rồi”.

Thương người phụ xe chết chung cùng đồng nghiệp

Cách nhà anh Long chưa đến một cây số là nhà của mẹ và vợ chồng cậu em trai anh Phạm Công Nhật - người đã quyết cùng anh Long “sống cùng sống, chết cùng chết” khi chiếc xe khách gặp sự cố.

Hai đứa trẻ không dám tin từ nay đã mất cha

Cuộc sống mưu sinh bấp bênh, đến khi mất, bàn thờ anh Phạm Công Nhật cũng được gửi ở nhà người em trai.

Long đong như chính nghề phụ xe của mình, cuộc sống của anh Nhật cũng vô cùng bấp bênh. Trước đây anh Nhật chạy xe ba gác, hơn hai năm nay anh chuyển sang đi phụ xe. Nhà ở huyện Tân Trụ, cách đây khoảng 20 cây số nhưng để tiện công việc, lâu nay anh sống nhờ nhà em trai. Khi anh mất, bàn thờ cũng được lập ở nhà cậu em trai. Do anh Nhật không phải người dân ở đây nên người đến thăm viếng cũng có phần thưa thớt hơn, lặng lẽ hơn.

Căn nhà mái tôn nơi vợ và hai người con của anh Nhật đang sống ở xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An nằm tách biệt giữa ruộng lúa mênh mông. Đây là nhà tình thương được một công ty xây tặng từ năm 2005. Vợ anh hàng ngày đi làm thuê làm mướn, cậu con trai Phạm Ngọc Lợi, 21 tuổi làm công an ở xã và cô con gái Phạm Ngọc Tuyền năm nay lên lớp 10.

Hai đứa trẻ không dám tin từ nay đã mất cha

Căn nhà ở quê của anh Nhật, nơi vợ và hai con đang sinh sống, nằm tách biệt giữa đồng ruộng mênh mông.

“Cha hay đi xa, không ở nhà thường xuyên nhưng cha lo cho hai đứa lắm, lúc nào cũng gọi điện về dặn dò. Mới đây, cha gửi cho em một triệu để may áo dài vào năm học mới. Số tiền đó em may được hai bộ, quần áo còn chưa kịp lấy…”, em Phạm Ngọc Tuyền ngồi lặng khi nói về người cha của mình.

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 5/8, khi chiếc xe khách chở 48 người (cả tài xế Long và phụ xe Nhật) đi từ Long An tới Nha Trang, Đà Lạt thì gặp nạn, mất thắng ở khúc cua, có nguy cơ lao xuống suối.

Phát hiện sự cố, anh Long đánh lái, quyết định sẽ đâm xe vào vách núi, giảm thiểu thương vong cho hành khách. Anh Long đề nghị anh Nhật lùi ra sau xe cùng khách để mình đâm vào vách núi nhưng anh Nhật không chịu, nói rằng: “Để tôi phụ anh quan sát, chết cùng chết…”.

Kết quả, khi chiếc xe đâm vào vách núi, hai anh cùng một nữ hành khách trên xe tử vong; hàng chục hành khách còn lại đã giữ được tính mạng.

Theo Dân trí

Các tin cũ hơn