Hai nghi phạm thảm sát Bình Phước suy sụp

Thứ hai, 12/10/2015, 09:40
So với những ngày đầu, Dương và Tiến suy sụp hơn, một phần do tác động từ những hành vi phạm tội quá nghiêm trọng, phần do bị giam giữ.

Bản kết luận điều tra của Công an tỉnh Bình Phước chuyển qua Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố cả 3 nghi phạm trong vụ thảm sát ở Bình Phước chung tội danh Giết người và Cướp tài sản dù có nghi phạm không trực tiếp gây án.

Nghi phạm muốn gặp cha mẹ

Luật sư Hoàng Kim Vinh – Trưởng đoàn luật sư tỉnh Bình Phước, người được chỉ định bào chữa cho các bị cáo cho biết, so với những ngày đầu, Dương và Tiến có suy sụp hơn. Một phần do tác động từ những hành vi phạm tội quá nghiêm trọng, phần do bị giam giữ. Quá trình tiếp xúc trong trại giam, Dương và Tiến bày tỏ nguyện vọng được gặp cha mẹ. Tuy nhiên, đây là vụ trọng án nên yêu cầu này chưa được cơ quan công an chấp thuận.

Theo luật sư Vinh, quá trình điều tra, các bị can đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận. Bản thân bị cáo Tiến hoàn cảnh gia đình nghèo, phạm tội do sự lôi kéo của Dương. Còn Dương, xuất phát từ những bức xúc về tâm lý do chuyện tình cảm không như mong muốn nên đã lựa chọn cách hành xử sai trái... Cả hai đều lần đầu phạm tội. Đây là những tình tiết giảm nhẹ mà ông cân nhắc khi bào chữa.

Vị luật sư cũng bày tỏ bản thân ông cảm thấy áp lực khi nhận trách nhiệm bào chữa cho Dương và Tiến. "Hành vi phạm tội của các bị can đã rõ ràng và quá tàn ác, bị xã hội phẫn nộ, lên án, giờ biết nói gì đây. Nhưng nếu không bào chữa thì không thể hiện được trách nhiệm và tính nhân đạo của luật sư trong những vụ án như thế này", ông Vinh chia sẻ.

Nghi phạm thứ 3 là người mua hung khí

Theo thượng tá Nguyễn Văn Đợi, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước, việc đấu tranh tội phạm với Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), Vũ Văn Tiến (24 tuổi, Cà Mau) và đặc biệt là Trần Đình Thoại (28 tuổi, Vĩnh Long) rất khó khăn.

"Hầu như từng bị can chỉ thừa nhận những hành vi phạm tội mà cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ. Trong đó việc chứng minh hành vi của Thoại là khó khăn nhất. Đây cũng chính là lý do khiến quá trình tiến hành tố tụng của cơ quan điều tra phải kéo dài hơn dự kiến ban đầu một tháng rưỡi", thượng tá Đợi nói.

Vũ Văn Tiến chỉ nơi giấu tang vật và hung khí gây án khi bị bắt tại xã Nhị Bình, Hóc Môn (TP .HCM) chiều 10/7. Ảnh: Khánh Vinh

Cơ quan điều tra xác định, Thoại đã biết rõ kế hoạch và mục đích gây án của Dương. Anh ta cùng Dương mang hung khí đến nhà ông Mỹ hai đêm trước khi xảy ra vụ thảm sát nhưng không thực hiện được ý đồ do Dư Minh Vỹ (16 tuổi, cháu ông Mỹ) không ra mở cổng. Trên đường về, Thoại chủ động nói với Dương, anh ta sẽ mua thêm con dao để ngày mai đi tiếp.

Dù sau đó Thoại không trực tiếp gây ra vụ thảm sát nhưng anh ta không can ngăn mà còn cung cấp dao cho Dương. Chính con dao này đã được Dương dùng làm hung khí phạm tội cùng Tiến sau đó. Do đó, hành vi của Thoại được xác định là đồng phạm.

Đối với Vũ Văn Tiến, trong lúc thực hiện tội ác, hắn có ý định dừng lại khi Dương sát hại cậu bé Vỹ nhưng đó là do sợ bị phát hiện. Sau khi được Dương động viên, Tiến tiếp tục dùng dây sạc điện thoại siết cổ các nạn nhân "rất tích cực".

Cơ quan điều tra cũng khẳng định, quá trình thu thập dấu vết hiện trường và khám nghiệm tử thi các nạn nhân đối chiếu với lời khai của 3 bị can là trùng khớp. Kết quả giám định cho thấy Dương và Tiến không mắc bệnh tâm thần, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Tổng tài sản mà các bị can cướp được gần 50 triệu đồng.

Trần Đình Thoại bị bắt sau một tháng xảy ra vụ thảm sát. Ảnh: Khánh Vinh

Nghi phạm có lý lịch trong sạch

Theo Công an tỉnh Bình Phước, 3 bị can trước khi gây án đều có lý lịch trong sạch, chưa tiền án tiền sự. Chủ mưu Dương, sau khi học xong phổ thông, theo cha lên TP.HCM và học trung cấp công nghiệp tại Bình Dương. Năm 2011, Dương đi làm thợ mộc cho công ty ở huyện Hóc Môn và ở tại đây cùng cha.

Tiến (tên gọi khác là Bé) học hết lớp 4 ở nhà phụ giúp gia đình, sau đó học nghề sửa xe máy. Đầu năm 2010, Tiến làm công nhân chung công ty với Dương. Còn Thoại học hết lớp 8 thì lên TP.HCM học nghề điện lạnh sau đó đi làm thuê ở nhiều nơi và quen biết với Dương.

Theo kết quả điều tra, Nguyễn Hải Dương quen với Lê Thị Ánh Linh. Sau một năm yêu nhau, cô gái chủ động chia tay. Cho rằng hai người không đến được với nhau là do mẹ Linh ngăn cản, Dương nảy sinh ý định giết cả gia đình cô gái.

Để thực hiện, Dương mua sẵn nhiều hung khí, thuyết phục Dư Minh Vỹ ra mở cửa để vào "nói chuyện với Linh" và rủ Thoại "làm ăn" chung.

Hai đêm trước khi vụ thảm sát xảy ra, Dương và Thoại chở nhau từ TP.HCM mang theo hung khí đến huyện Chơn Thành để thực hiện. Tuy nhiên, khi đến nơi, Vỹ không ra mở cửa nên chúng cùng về. Hôm sau Thoại đổi ý không đi nữa, Dương quay sang rủ Vũ Văn Tiến, cũng với lý do đi cướp lại tiền từng hùn hạp kinh doanh với ông Mỹ.

2h ngày 7/7, Dương và Tiến đến nhà ông Mỹ. Đúng như kế hoạch, Dương nhắn tin cho Vỹ xuống mở cửa để cho gà đá và tiền. Cậu bé trèo từ lầu một qua hành lang xuống sân mở cổng. Sau vài câu trao đổi, Dương và Tiến bất ngờ bịt miệng, đè Vỹ xuống đất bóp cổ bất tỉnh. Dương rút dao đâm nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong.

Từ lối mà Vỹ trèo xuống, cả hai lên lầu bịt miệng, trói tay Linh và cô em họ. Sau đó chúng xuống tầng trệt vào phòng vợ chồng ông Mỹ đang ngủ cùng con trai Quốc Anh và con út tên Na 18 tháng tuổi.

Dương nhiều lần truy hỏi nơi cất tiền nhưng không có kết quả nên chúng lần lượt đưa cháu Quốc Anh và người vợ sang phòng bên sát hại dã man, trước khi quay lại giết ông Mỹ. Tiếp đó, chúng lên lầu giết 2 cô gái bằng cách thức tương tự. Riêng bé Na không bị chúng sát hại.

Sau khi lục lấy điện thoại, iPad, laptop, tiền..., Dương và Tiến bỏ trốn về Sài Gòn.

Bốn ngày sau khi gây ra vụ thảm sát, Dương và Tiến bị bắt. Hơn một tháng sau, Thoại cũng nhận lệnh bắt giam.

Theo Ngôi Sao

Các tin cũ hơn