Từ ngày 30-9, Tổng cục An ninh - Bộ Công an, Công an tỉnh Gia Lai và đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT) đã tiến hành kiểm tra một số xưởng gỗ trên địa bàn các huyện Đức Cơ, Chư Prông (tỉnh Gia Lai), trong đó có xưởng gỗ của Công ty TNHH MTV Bảo Hoàng.
Đang kiểm thì có người “a lô”!
Theo cơ quan chức năng, qua kiểm tra bước đầu 2 xưởng gỗ của Công ty Bảo Hoàng đã phát hiện sai phạm. Trong đó, tại xưởng gỗ đặt tại làng Nú, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, có khoảng 50m3 gỗ không có nguồn gốc.
Theo một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, việc kiểm tra lần này do các lực lượng chức năng ở trung ương làm. “Đến bây giờ họ vẫn đang làm nên cũng chưa cung cấp gì” - vị này nói. Về việc vì sao các xưởng gỗ này đã tồn tại từ lâu và thực tế có sai phạm nhưng vẫn không được phát hiện, lãnh đạo này cho biết việc kiểm tra các xưởng gỗ của Công ty Bảo Hoàng do Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ đảm nhiệm. Tuy nhiên, khi liên hệ làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ, phóng viên Báo Người Lao Động được thông báo “lãnh đạo hạt đi công tác”.
Một lãnh đạo UBND huyện Đức Cơ thừa nhận tình hình quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực biên giới diễn biến phức tạp. Lợi dụng việc cho phép nhập khẩu gỗ qua các lối mở, một số đối tượng đã khai thác, tàng trữ, vận chuyển gỗ trái phép. Theo lãnh đạo này, đối với Công ty Bảo Hoàng, trước đây huyện đã thành lập đoàn kiểm tra nhưng công ty không hợp tác. Sau đó, khi vào kiểm tra được thì không có máy móc để cẩu gỗ ra thực hiện đo đếm.
“Có một lần được vào kiểm tra. Kho mở cửa thì chỉ có ít gỗ, giấy tờ đầy đủ còn các kho khác thì không mở cửa nên không biết lối mà làm. Nhiều khi mình cũng làm dạng dè chừng bởi khi đang làm là cứ có người “a lô! a lô!”, mệt lắm” - vị này phân trần.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Ia Nan, cho biết xưởng gỗ của Công ty Bảo Hoàng tại địa bàn được thành lập khoảng 5 năm nay, gần đây ngừng hoạt động.
Chưa xử lý vì sợ chồng chéo?
Trước đó, tháng 9-2014, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị của Bộ Công an và lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk bất ngờ phong tỏa 2 xưởng gỗ của Công ty TNHH Hiền Thái ở số 93 đường Y Wang và hẻm 267 Mai Hắc Đế (thuộc phường Ea Tam và phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột). Sau khoảng 1 tuần, lực lượng chức năng mới kiểm đếm, phân loại hết số gỗ trong 2 xưởng này.
Xưởng gỗ số 93 đường Y Wang nằm ngay giữa khu dân cư, rộng hàng ngàn mét vuông, hình thành từ hàng chục năm trước nhưng người ngoài không ai biết được hoạt động bên trong bởi xung quanh là tường rào cao hơn 3m, phía trên giăng dây thép gai chằng chịt. Còn xưởng gỗ nằm trong hẻm 267 Mai Hắc Đế rộng thênh thang nằm giữa vườn cà phê, vườn điều và cũng được bao bọc bằng hàng rào thép gai.
Theo phản ánh của người dân, từ khoảng 1 giờ đến 4 giờ hằng ngày, hàng chục chiếc xe tải cỡ lớn nối đuôi nhau chở gỗ vào xưởng nhưng chẳng bao giờ thấy bóng dáng của lực lượng chức năng.
Nói về 2 xưởng gỗ lậu này, ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết lực lượng kiểm lâm chỉ được xử lý khi bắt quả tang gỗ lậu đang chở trên đường, còn việc kiểm tra trong xưởng thì không được phép, muốn kiểm tra phải có sự phối hợp nên gặp nhiều khó khăn. “Trước khi Bộ Công an truy quét, sở đã nhiều lần chỉ đạo lực lượng kiểm lâm mật phục nhưng đều bất thành” - ông Thành nói.
Sau hơn 1 năm xảy ra vụ việc, ông Thành cho biết hiện vẫn chưa thể làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng 2 xưởng gỗ lậu lớn nằm trong phố. Theo ông, ngay sau khi Bộ Công an phát hiện gỗ lậu, sở cũng tính làm rõ trách nhiệm của những cá nhân có liên quan nhưng sợ chồng chéo nên đang chờ kết quả của bộ rồi mới xử lý.
“Vào thời điểm đó, trong 2 xưởng của Công ty TNHH Hiền Thái có khoảng 2.000m3 gỗ nhưng không biết có bao nhiêu gỗ lậu. Trong vụ việc này, một kiểm lâm phụ trách địa bàn tên là Thành đã bị bắt. Đến giờ, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ Bộ Công an nên chưa kết luận được gì” - ông Thành nói.