Khoảng 9h30 ngày 10/11, anh Đoàn Văn Tịnh (41 tuổi) mặc đồ tang cùng hàng chục người dân xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) mang theo quan tài kéo lên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua xã này để phản đối chuyện đền bù mặt bằng.
Anh Tịnh mang đồ tang cùng hàng chục người dân mang theo quan tài kéo lên đường cao tốc đang thi công để phản ứng tiền đền bù. Ảnh: Tiến Hùng. |
Theo anh Tịnh, gia đình có hơn 2.000m2 đất bị thu hồi để làm đường, nhưng 3 năm qua vẫn chưa nhận được tiền. “Thu nhập của gia đình chỉ trông cậy vào vườn trái cây đó, nhưng bị thu hồi từ năm 2011. Năm 2012, người dân đều được nhận tiền, còn chúng tôi thì không”, anh Tịnh nói và cho hay do hàng trăm lần lên cơ quan có thẩm quyền hỏi, nhưng không có được câu trả lời thích đáng nên "cực chẳng đã phải phản đối bằng cách này”.
“Tôi lên hỏi thì người này chỉ qua người kia, lên thứ hai thì hẹn thứ sáu, lên thứ sáu lại hẹn thứ hai tuần sau sẽ giải quyết. Sự việc cứ vậy kéo dài mãi. Mẹ tôi mới mất, còn bố thì đang bệnh tật, chúng tôi hết kiên nhẫn rồi”, anh Tịnh bức xúc.
Bà Huỳnh Thị Luyện cho hay, khi chi trả tiền đền bù gia đình nhận được 284 triệu đồng, tuy nhiên sau đó vô tình lên ủy ban xã và thấy trong danh sách đền bù ghi rõ hộ bà nhận được 301 triệu đồng. “Khi chi trả, trong biên bản không hề có con dấu mà chỉ có chữ ký. Chúng tôi nghi ngờ tiền đền bù của dân đã bị ăn bớt”, người đàn bà khuôn mặt khắc khổ nói.
Bà Xuân cho rằng việc đền bù không nhất quán, ngôi mộ gần nhau diện tích giống nhau nhưng lại giá khác nhau và "trả giá như đi chợ". Ảnh: Tiến Hùng. |
Đến đầu giờ chiều, hàng trăm người tụ tập giữa đường cao tốc đang thi công để gây áp lực. Đến hơn 14h, chính quyền địa phương tổ chức đối thoại tại chỗ để nghe phản ánh. Hơn 20 người đặt hàng chục câu hỏi thể hiện sự bức xúc nhiều năm qua với nhà chức trách.
“Nhiều lăng mộ có diện tích bằng nhau, xây dựng giống nhau, nhưng cái thì đền bù 15 triệu, cái thì trả giá từ 5 lên 7 cho đến 12 triệu đồng. Đền bù phải có quy định rõ ràng, sao lại trả giá như đi chợ vậy”, bà Võ Thị Xuân (61 tuổi), thắc mắc.
Đặc biệt, nhiều hộ dân phản ánh theo quyết định mới đây của UBND tỉnh Quảng Nam về việc đền bù giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thì đất nông nghiệp được đền bù 84.000 đồng/m2, nhưng người dân ở xã Tam Ngọc chỉ được áp giá 44.000 đồng/m2…
Nhà chức trách tổ chức buổi đối thoại tại chỗ trong cả buổi chiều nhưng vẫn không giải đáp xong thắc mắc cho người dân. Ảnh: Tiến Hùng. |
Trả lời bức xúc của người dân, ông Huỳnh Điệp, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Tam Kỳ, đơn vị trực tiếp đền bù, giải phóng mặt bằng, giải thích một số hộ dân do vướng hồ sơ thủ tục, việc xác định nguồn gốc đất khó khăn và cán bộ có sai sót dẫn đến việc đền bù chậm, thiếu cho người dân. Ông hứa khắc phục sớm.
Về việc áp giá đền bù, ông Điệp cho biết đã làm đúng và đưa ra những văn bản làm bằng chứng, nhưng việc giải thích khá dài dòng, khiến người dân phản ứng dữ dội. Ngoài ra, nhiều thắc mắc của người dân không được vị này giải đáp.
Đến 16h, ông Trần Nam Hưng, Phó bí thư Thành ủy Tam Kỳ đã tới chủ trì buổi đối thoại. Thừa nhận các cán bộ của thành phố có nhiều sai sót, thay mặt chính quyền Phó bí thư Hưng xin nhận khuyết điểm. Sau một lúc nghe phản ánh, ông khuyên người dân về nhà với lý do trời tối, không thể tiếp tục buổi đối thoại và hẹn đến chiều 11/11 sẽ giải đáp tất cả thắc mắc.
Theo VNE