Thiếu tướng Trần Văn Vệ |
Trao đổi với PV Dân trí, Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết các quy định của pháp luật đã cấm vận chuyển, buôn bán, đốt pháo nổ nhưng dịp Tết Nguyên đán 2015 cả nước vẫn có tới 65 người bị thương do pháo nổ, vũ khí và chất nổ.
“Nói không với pháo nổ là thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật và đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho mỗi cá nhân, gia đình”- ông Vệ nói.
Phóng viên: Theo đánh giá của Tổng cục Cảnh sát, những địa phương nào “nóng bỏng” về tình trạng buôn bán, sử dụng pháo nổ?
Thiếu tướng Trần Văn Vệ: Đó là các tỉnh phía Bắc và khu vực ven biển từ Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa trở ra Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh... bởi ở đó có tục lệ lâu đời về đốt pháo nổ dịp Tết, chứ ở các thành phố lớn và các tỉnh phía Nam thì lại không đáng ngại.
Ở phía Bắc, chúng tôi xác định pháo nhập lậu vào Việt Nam qua 3 địa phương là Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai. Chính vì thế từ đầu năm nay Bộ Công an đã có kế hoạch để ngăn chặn nguồn pháo nhập lậu. Ở trong nước, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc.
Năm nay có xảy ra tình trạng các đối tượng buôn bán pháo nổ vận chuyển hàng vào trong nước suốt năm rồi “ém hàng” chờ tới dịp Tết Nguyên đán này mới bung tiêu thụ không, thưa ông?
Năm nay chúng tôi theo dõi thấy đỡ phức tạp hơn, bắt được ít hơn rồi. Những vụ vận chuyển, buôn bán lớn lên tới hàng tấn pháo không có nữa. Hiện tượng sản xuất pháo trong nước không thấy có.
Nhưng pháo nổ là mặt hàng siêu lợi nhuận. Pháo nổ mua bên kia biên giới chỉ có 3.000 đồng/bánh nhưng đưa vào nội địa bán với giá 30.000-40.000 đồng/bánh, siêu lợi nhuận, lãi như buôn ma túy nên các đối tượng luôn tìm mọi cách để qua mặt cơ quan chức năng.
Chính vì chúng tôi phải tập trung thực hiện rất nhiều giải pháp. Từ tháng 9 vừa rồi Bộ trưởng Bộ Công an đã có điện gửi các đơn vị yêu cầu ngăn chặn việc này từ sớm. Ở nhiều nơi thực hiện tuyên truyền, yêu cầu những hộ buôn bán, học sinh, sinh viên ký cam kết không đốt pháo. Những điểm năm ngoái còn xảy ra đốt pháo thì năm nay đưa vào diện theo dõi chặt chẽ hơn.
Một vụ vận chuyển, buôn bán pháo nổ bị lực lượng chức năng bắt giữ |
Giám đốc công an tỉnh có bị quy trách nhiệm khi trên địa bàn xảy ra đốt pháo nổ nhiều?
Đó là việc thường xuyên rồi. Từ công an tỉnh, công an huyện, công an xã tới cảnh sát khu vực đều dính trách nhiệm nếu trên địa bàn xảy ra đốt pháo nhiều.
Trong việc này, tôi cho rằng địa phương nào có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống thì sẽ đạt hiệu quả cao. Như tỉnh Thái Bình mấy năm gần đây không có tiếng pháo nổ dịp Tết Nguyên đán bởi cấp chính quyền, hệ thống chính trị vào cuộc thực sự thì hiệu quả cao, chứ công an lấy đâu ra người để cử tới khắp các địa bàn. Công an còn phải phụ trách cả những vấn đề khác nữa chứ không riêng gì lĩnh vực pháo nổ.
Tổng cục Cảnh sát có thành lập các đoàn đi kiểm tra thực tế dịp Tết này?
Sẽ có các đoàn kiểm tra trong kế hoạch tấn công tội phạm dịp Tết Nguyên đán của Bộ Công an. Riêng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) cũng sẽ cử cán bộ xuống các khu vực trọng điểm để vừa kiểm tra, vừa đôn đốc, giám sát.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Theo Dân Trí