Trầm hương và kỳ nam là 2 sản vật đặc biệt quý hiếm được tạo nên từ cây dó bầu, có giá trị kinh tế cao. Vì thế, ở tỉnh Quảng Nam có hàng ngàn người ngày đêm khăn gói vào các khu rừng ở miền Trung - Tây Nguyên tìm trầm kỳ với giấc mộng đổi đời.
Một phút lên đời
Làng An Định (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nằm bên cánh đồng lúa xanh mơn mởn, mọc lên nhiều biệt thự hoành tráng. Nơi đây được mệnh danh là làng tỉ phú với hàng loạt đại gia phất lên nhờ trúng trầm kỳ, trong đó phải kể đến anh em Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Xuân Huy.
Ở trong căn nhà tiền tỉ nhưng gia đình ông Võ Liên không có tiền để đóng điện |
Người dân ở làng An Định kể vào tháng 5-2012, nhóm 6 người gồm các ông Nguyễn Nhuấn, Võ Hai, Võ Thịnh, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Xuân Huy, Đầu Hát Em (cùng thôn An Định) góp tiền, khăn gói vào rừng ở Khánh Hòa tìm trầm. Sau hơn 20 ngày lặn lội, Hoàng là người đầu tiên phát hiện cục kỳ nam nặng hơn 1kg ở khu vực núi Gộp Ngà (thuộc xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn).
Cục kỳ nam sau đó được bán với giá hơn 7 tỉ đồng, chia đều mỗi người được 960 triệu đồng, riêng Hoàng được chia nhiều hơn vì có công phát hiện. Sau chuyến đi này, Hoàng dẫn người thân quay trở lại khu vực này và phát hiện thêm nhiều kỳ nam mà có thông tin đồn đoán số tiền bán được lên đến hàng tỉ đồng.
Kể từ đó, anh em Hoàng và nhiều người giàu lên nhanh chóng, khắp các vùng quê Đại Lộc ai cũng biết tiếng. Họ mua ôtô xịn, xây biệt thự, có mức sống khác xa so với người dân vùng quê thuần nông Đại Lộc. Hầu như nhà nào cũng được ốp gỗ cao cấp, nội thất đắt tiền và lắp đặt camera giám sát nhất cử nhất động xung quanh.
“Nhiều người đùa rằng nếu ở đâu có bán trực thăng, họ cũng đủ tiền để mua” - một người dân nói.
Ở huyện Đại Lộc, nhắc đến chuyện trúng trầm kỳ, không ai không nhớ chàng thanh niên Nguyễn Văn Sỹ (20 tuổi; ngụ thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa) bởi anh này quá may mắn. Trong khi nhiều người cả đời “ngậm ngải tìm trầm” nhưng vẫn trắng tay thì trong lần đầu tiên vào rừng, Sỹ tìm được kỳ nam và trở thành tỉ phú.
Năm 2011, Sỹ xin mẹ theo chú ruột là ông Nguyễn Đường vào rừng tìm trầm với hy vọng sớm đổi đời. Dù mẹ không cho đi vì trước đó, cha Sỹ đã gặp nạn chết trong một khu rừng ở tỉnh Gia Lai nhưng Sỹ vẫn nhất quyết lên đường. Và chính Sỹ là người đầu tiên phát hiện gốc trầm kỳ có giá trị lớn mà theo nhiều người thạo tin cho hay bán được hơn 200 tỉ đồng.
Sau khi trúng trầm kỳ, Sỹ cùng mẹ vào miền Nam sinh sống, còn những người trong nhóm của Sỹ đều trở thành tỉ phú.
Khi chúng tôi tìm đến nhà, cũng là lúc ông Nguyễn Đường vừa đánh chiếc Camry trị giá 1,3 tỉ đồng trở về khu biệt thự đắt tiền. Tuy nhiên, ông Đường từ chối tiếp phóng viên với lý do đang mệt. Người dân ở Nghĩa Tây nói rằng cuộc sống của ông Đường thay đổi từ lúc trúng trầm kỳ và ông rất ít khi ở nhà. Với số tiền có được, ông Đường tiêu tiền không tiếc tay.
Khi tỉ phú… hết tiền
Ở huyện Đại Lộc, không ít tỉ phú trầm giờ phải đi làm thuê. Khi có tiền tỉ, nhiều người ăn tiêu cho đến rỗng túi mới hối hận thì đã muộn. Người dân vẫn thường nhắc đến tỉ phú trầm kỳ tên H., tên B. ở xã Đại Phong nhiều năm nay phải đi làm thuê để kiếm sống.
Tại thôn Nghĩa Tân, xã Đại Nghĩa, trường hợp của ông Võ Liên cũng đắng cay không kém. Tháng 7-2010, ông Liên cùng 5 phu trầm gồm ông Võ Tuấn, Nguyễn Sấm, Võ Lanh, Nguyễn Tỉnh, Phạm Chính vào tỉnh Kon Tum tìm trầm và may mắn gặp được kỳ nam trị giá gần 30 tỉ đồng. Sau khi liên hoan, tiêu xài, trang trải các chi phí, mỗi người được chia 3 tỉ đồng.
Từ cảnh nhà tranh vách nứa, ông Liên khiến mọi người xung quanh phải ngước nhìn khi đầu tư gần 1,5 tỉ đồng xây ngôi nhà khang trang giữa vùng quê nghèo khó. Lúc được mệnh danh là đại gia, ông Liên chỉ biết ăn chơi, nhậu nhẹt cho đến khi sạch túi.
Gần một năm nay, trong nhà hết tiền, ông Liên phải quay lại với núi rừng. Hiện ông đi cắt mây về bán với thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày nhưng không đủ trang trải chi phí. Đến nỗi ở trong ngôi nhà 2 tầng nhưng 4-5 tháng nay, gia đình ông Liên phải đốt nến vì bị điện lực cắt điện do không có tiền đóng.
Khi chúng tôi hỏi hiện số tiền vay nợ bạn bè, người thân bao nhiêu thì ông Liên ngập ngừng cho biết chừng vài chục triệu đồng. “Ngày xưa mình nghèo rồi, ở nhà tranh vách nứa, có tiền thì mình xây nhà to mà ở. “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”! Chừ hết tiền thì mình lại vào rừng tiếp thôi” - ông Liên phân trần.
Ông Phạm Chính (ngụ thôn Nghĩa Tân) cho biết đến nay, ông cũng đã tiêu hết số tiền 3 tỉ đồng trúng trầm nhưng vợ chồng ông đã xây được 4 ngôi nhà cho con. Hiện vợ chồng ông vẫn làm trang trại trồng rừng, nuôi bò và gà để có tiền lo cho con cũng như trang trải tuổi già.
“Trong nhóm người trúng trầm, không kể ông Liên thì những người khác cũng đã tiêu sạch tiền rồi. Trong đó có người làm ăn thất bại nhưng cũng có người chỉ biết tiêu tiền mà không lo làm ăn. Bây giờ, họ chỉ còn cái vỏ bọc đại gia chứ thực chất chẳng còn tiền đâu” - ông Chính nói.
20 người bỏ mạng lúc tìm trầm Ở huyện Đại Lộc, không phải ai cũng may mắn tìm được trầm kỳ, nhiều người nợ nần chồng chất. Tại xã Đại Nghĩa có hơn 1.000 người đi tìm trầm kỳ thì hơn một nửa ôm nợ. Trung bình chuyến đi khoảng 1 tháng, mỗi phu trầm phải đóng chuyến 3-5 triệu đồng/người. Đây là số tiền không nhỏ đối với những người dân thuần nông miền quê Đại Lộc. Trong khi đó, thống kê sơ bộ, toàn huyện Đại Lộc đã có hơn 20 người bỏ mạng nơi rừng sâu trong lúc tìm trầm. |
Theo NLĐ