Nhưng nơi đó cũng có ánh sáng, niềm tin và hạnh phúc vỡ òa vào những ngày giáp Tết.
Bản án vừa tuyên xong, các bị cáo trước vành móng ngựa và những người thân chân tay lấm bùn ngồi phía dưới nhìn nhau rưng rưng. Tết này họ có cơ hội được sum vầy. Không ai để ý phía trên bục xử, vị chủ tọa nhìn họ mà nở nụ cười hạnh phúc.
Phiên tòa này ông đã hoãn nhiều lần, đọc hồ sơ đến “ám ảnh” từng thân phận bị cáo làm công trong vụ sản xuất bia giả do Nguyễn Văn Nhớ thực hiện. Bị cáo Tr. làm bốc vác, rửa chai với tiền công 4 triệu đồng/tháng, mới làm được ba ngày thì bị bắt. Tương tự, bị cáo T. rửa chai bia, tiền công 100.000 đồng/ngày, làm việc được ba ngày thì bị bắt, Th. làm việc được hai ngày... Tất cả họ đều có điểm chung là nông dân tay lấm chân bùn, ít học, được họ hàng giới thiệu từ quê nghèo huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) dắt díu cả vợ con, anh em lên Sài Gòn làm công cho Nhớ với giá bèo.
Nhớ thuê nhà không số ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM và thuê người để sản xuất bia từ tháng 6-2014. Nhớ giả nhãn hiệu bia Saigon Special và Tiger. Với cách làm là sử dụng bia hiệu Saigon nhãn xanh trắng để chiết qua thành các chai bia đã súc sạch đóng nắp mang thương hiệu hai loại bia trên bán ra thị trường hưởng lợi. Nhớ giao cho con trai là Nguyễn Minh An quản lý, trực tiếp điều hành những người vào làm công việc sang chiết bia, đưa hàng đi tiêu thụ theo yêu cầu. Giữa tháng 12-2014, cơ sở của Nhớ bị công an phát hiện và bắt giữ.
Tại phiên xử sơ thẩm, công tố đề nghị phạt Nhớ 5-6 năm tù, An 4-5 năm tù, 10 bị cáo còn lại 2-3 năm tù treo. Tuy nhiên, TAND huyện Bình Chánh xử phạt Nhớ năm năm tù, An bốn năm, còn các bị cáo làm công ba năm tù (giam), chỉ có hai bị cáo chưa thành niên là hai năm án treo. Cha con Nhớ, An không kháng cáo nhưng những bị cáo làm công kháng cáo xin được khoan hồng sớm về với gia đình.
Vợ chồng bị cáo Tr., Th. chỉ mới vào làm hai, ba ngày, có hai con nhỏ, hiện đang không ai chăm sóc, gia đình khó khăn. Từ khi cha mẹ bị tạm giam đến nay, hai trẻ phải dang dở việc học ở quê nhà, ngày ngày ngóng cha trông mẹ. Ngày cận Tết năm ngoái, Th. rời quê mong kiếm ít tiền sau khi được lời giới thiệu của người trong gia đình đang làm việc tại cơ sở trên.
Đằng sau vụ án tưởng chừng như đơn giản này còn là bao hoàn cảnh của những phận người khác. Ph. cũng là bị cáo trong vụ án, làm việc dọn dẹp, nấu ăn được năm tháng và vì miếng cơm manh áo đã vô tình đưa em trai và con mình vào làm cơ sở này được ít ngày đã phải chịu chung cảnh tội tù...
HĐXX chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và cho họ hưởng án treo. Bởi lẽ pháp luật rất nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm hay có thủ đoạn xảo quyệt. Nhưng pháp luật cũng khoan hồng với những người phạm tội tự nguyện sửa chữa, ăn năn hối cải... Các bị cáo kháng cáo này có vai trò thấp, hạn chế trong vụ án, tòa tạo cơ hội cho họ được tái hòa nhập cộng đồng. Đó cũng là sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật, nhất là khi tết đến xuân về.
Nhưng để có một phán quyết mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bao gia đình xóm nghèo kia, người thẩm phán đã phải tận tụy nghiên cứu hồ sơ vụ án, tìm hiểu kỹ thân phận, hoàn cảnh từng bị cáo. Bởi nếu chỉ đơn thuần án tại hồ sơ, có khi ông đã có phán quyết khác...
Phiên tòa kết thúc giữa trưa, các bị cáo được đưa về trại tạm giam làm thủ tục để được trả tự do. Giữa sân TAND TP.HCM giờ trưa nắng chang, người thân của các bị cáo mừng rỡ vây quanh vị thẩm phán tíu tít cám ơn. Dù rất mệt nhưng ông cũng chia sẻ tấm lòng cùng họ. Và cho đến tận tối hơn 8 giờ, khi mọi người đã nghỉ ngơi hay tưng bừng với các tiệc cuối năm thì ông vẫn đang lo lắng và chờ đợi từng bị cáo được bước khỏi trại tạm giam để về ăn Tết cùng gia đình...
Theo PL TP.HCM