Chủ đầm tôm không nhận lời xin lỗi của Viện Kiểm sát

Thứ tư, 27/04/2016, 08:56
Viện KSND tổ chức xin lỗi công khai chủ đầm tôm ở Đồng Nai. Tuy nhiên, người từng bị giam không chấp nhận lời xin lỗi vì cho rằng cán bộ chưa thực sự nhận ra sai sót.

Chiều 26/4, VKSND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cùng Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện này tổ chức xin lỗi công khai bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (ngụ TP.HCM, tạm trú xã Phước An, huyện Nhơn Trạch).

Buổi xin lỗi diễn ra tại trụ sở UBND xã Phước An với sự tham gia của đại diện các ngành liên quan cùng các cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Chí Hà, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Nhơn Trạch nói lời xin lỗi, tặng hoa cho bà Ngọc. Ảnh: Ngọc An.

Tại đây, ông Nguyễn Chí Hà, Phó Viện trưởng VKSND huyện Nhơn Trạch thừa nhận do thiếu sót trong vấn đề nhận thức pháp luật nên dẫn đến sai sót.

“Viện công khai, chân thành xin lỗi và mong nhận được sự cảm thông. Chúng tôi nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc. Chúng tôi hứa thời gian tới không để xảy ra tình trạng tương tự”, ông Hà nói.

Đáp lời, bà Ngọc nói: "Danh dự của tôi bị xúc phạm không gì bù đắp được. Hơn nữa, cơ quan điều tra vẫn quyết định xử phạt hành chính dù đã đình chỉ vụ án nên tôi không nhận lời xin lỗi. Tôi có nguyện vọng chính quyền, các lực lượng chức năng chấn chỉnh quy cách làm việc. Lắng nghe những lo lắng, nguyện vọng của dân nghèo".

Cũng theo chủ đầm tôm, nếu sự việc không có sự can thiệp của báo chí thì bà khó có cơ hội được tự do sau vụ việc.

Trong khi đó, ông Đỗ Kỳ Phong - chồng bà Ngọc cho rằng: “Cơ quan điều tra tống đạt quyết định đình chỉ vụ án nhưng lại quy vào một tội khác và xử phạt hành chính. Như vậy, vợ tôi vẫn bị tội, vẫn có tiền sự tại địa phương. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và con cái sau này".

Trả lời những khúc mắc từ bà Ngọc, thiếu tá Lê Minh Tuấn, Phó đội trưởng đội điều tra tổng hợp, Công an huyện Nhơn Trạch nói: “Nếu gia đình không đồng ý thì tôi sẽ báo cáo lãnh đạo xem xét, xin rút lại quyết định xử phạt”.

Buổi xin lỗi diễn ra chóng vánh, bà Ngọc và người thân buồn bã ra về khi chưa đạt được đồng thuận. “Xin lỗi mà các cán bộ vẫn chưa nhận ra cái sai thì tôi không chấp nhận”, bà Ngọc nói. Người này để lại hoa của đại diện VKSND Nhơn Trạch tặng rồi ra về.

Thiếu tá Lê Minh Tuấn tại buổi xin lỗi. Ảnh: Ngọc An.

Trước đó, sáng 26/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch trao quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc. Bà cũng nhận được quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực an ninh trật tự.

Theo đó, người từng đứng ra tố cáo “cát tặc” bị phạt số tiền 2,5 triệu đồng vì Cản trở kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Theo bà Ngọc, việc cơ quan tố tụng khởi tố vụ án, bắt giam khiến bà suy sụp tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm. "Tôi bất ngờ vì mình bị xử phạt hành chính. Trong khi tôi gọi lãnh đạo, công an xã đến bắt ghe hút cát thì giờ họ lại ghép tôi tội cản trở kiểm tra. Quyết định xử phạt rất vô lý", bà Ngọc nói.

Ngày 26/2/2016, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc xây dựng chòi canh tại đầm tôm thuộc xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Tại đây, lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành (Đồng Nai) đến phá các hạng mục công trình, hủy hoại tài sản và đánh đập bà Ngọc. Chủ đầm tôm tố cáo sự việc lên cơ quan điều tra.

Ngày 14/4, Công an huyện Nhơn Trạch ra quyết định khởi tố bà Ngọc về hành vi Chống người thi hành công vụ trong vụ án từ 5/9/2015. Ngày 19/4, bà bị bắt. Vụ việc xảy ra từ 8 tháng trước được lật lại để điều tra khiến dư luận hoài nghi về tính chất khách quan trong quá trình tố tụng.

Theo bà Ngọc, ngày 5/9, bà phát hiện ghe hút cát lậu trên sông (gần đầm tôm bà Ngọc) nên báo chính quyền xã và công an. Lực lượng chức năng sau đó có mặt nhưng đề nghị di chuyển ghe cát khỏi vị trí nên bà Ngọc ôm ống hút cát để giữ ghe, yêu cầu công an lập biên bản tại chỗ. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai rà soát hồ sơ, làm rõ vụ việc.

Ngày 23/4, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Văn Năm đã chủ trì cuộc họp với Thường trực Huyện ủy Nhơn Trạch và đại diện các cơ quan tố tụng của huyện để xem xét vụ việc. Tại đây, các bên thừa nhận việc bắt bà Ngọc để điều tra trong trường hợp này là chưa cần thiết. Do vậy, cơ quan tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà Ngọc từ giam giữ sang tại ngoại. Trong ngày này, bà Ngọc được tại ngoại.

Theo Zing

Các tin cũ hơn